Cử tri Hà Nội đề nghị giám sát chặt hơn tài sản của cán bộ
Cử tri Hà Nội cho rằng việc kê khai tài sản chưa kiểm soát được hết tài sản của cán bộ đảng viên; cần giải pháp phát hiện nguồn thu nhập bất hợp pháp…
Tránh việc Luật mới có hiệu lực lại phải sửa đổi
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô Hà Nội do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, tại các buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, cử tri Thủ đô đồng tình với dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp và báo cáo trả lời ý kiến sau kỳ họp thứ 9.
Về hoạt động của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội, cử tri cho rằng tại mỗi kỳ họp, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết ban hành nhiều dự án Luật để thực hiện nhưng trong thực tế có những dự án Luật vừa mới được ban hành đã xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng tiếp xúc cử tri quận Đống Đa trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Hà Nội mới)
Cử tri đề nghị các cơ quan soạn thảo Luật cần bám sát vào tình hình thực tế để tránh việc Luật mới có hiệu lực lại phải sửa đổi.
Trong cuộc họp Quốc hội tại phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, nhiều trường hợp các Bộ trưởng ghi nhận và tiếp thu ý kiến và hứa trả lời sau. Tuy nhiên, có ý kiến phản ánh trong các cuộc họp tiếp theo không thấy Bộ Trưởng trả lời và báo cáo kết quả thực hiện các lời hứa.
Chưa kiểm soát được hết tài sản của cán bộ
Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị, không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi… Đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án đã cấp phép, nếu dự án để hoang hóa thì nên giao lại cho địa phương để có giải pháp sử dụng hiệu quả.
Cử tri cũng phản ánh tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực. Hậu quả là trên địa bàn cả nước và Thành phố Hà nội có nhiều công trình, dự án dang dở vài năm nay nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thiện. Quốc hội cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng đồng thời giám sát chặt chẽ việc cấp phép.
Có ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp thu hồi tài sản của cá nhân, tập thể tham ô, tham nhũng và giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, phát hiện nguồn thu nhập không hợp pháp của cán bộ.
“Việc kê khai tài sản chưa kiểm soát được hết tài sản của cán bộ đảng viên, nhiều người có rất nhiều nhà, tài sản, thậm chí có cả tài khoản ở nước ngoài. Do vậy đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp quản lý tài sản cán bộ đảng viên”, báo cáo nêu ý kiến của cử tri thị xã Sơn Tây.
Nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường
Cử tri Hà đề nghị Nhà nước quan tâm, đầu tư khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất chất lượng nâng cao thu nhập cho người nông dân; có giải pháp quy hoạch vùng sản xuất để tránh tình trạng được mùa mất giá, sản xuất hàng hóa nhưng không có nơi tiêu thụ..
Tình trạng ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch… làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề cử tri quan tâm và đề nghị Nhà nước, Thành phố cần có giải pháp khắc phục.
Liên quan lĩnh giáo dục, cử tri Thủ đô cho rằng việc đổi mới gộp kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học hiệu quả chưa cao nên Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu có giải pháp hiệu quả hơn; xử lý nghiêm đối với một số trường học có tình trạng lạm thu, nhiều khoản phí phải đóng trong đầu năm học.
Về y tế, có ý kiến đề nghị công khai cho người dân được biết căn cứ tính giá giường bệnh. Cử tri ghi nhận về sự thay đổi của y tế tuyến cơ sở, song chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo, do đó người dân vẫn phải đi khám tại các tuyến trên, gây nên việc quá tải, đồng thời, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của nhân dân…
Theo Ngọc Thành/VOV