Xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo: Về tận nhà dân để vận động
Tìm đến các nhà dân ở 3 huyện nghèo (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) để lắng nghe, giải đáp, hướng dẫn thủ tục xuất khẩu lao động nhằm thay đổi nhận thức bà con là cách mà Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai từ năm 2014 đến nay. Cách làm tận tình này bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.
Nhiều nghi ngại
Chiều tối 19.10, theo chân đoàn cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) đi vận động hộ gia đình có con em đủ điều kiện xuất khẩu lao động, chúng tôi ghi nhận nhiều tâm tư người dân quanh chủ đề này.
Có con trai út 20 tuổi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Lê Văn Tấn (65 tuổi, ở làng Kinh Tế, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) cũng có ý định cho con xuất khẩu lao động, kiếm cơ hội thoát nghèo. Mấy năm trước, con trai ông đã mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động, đến phút chót lại không thể lên đường vì bị thiếu mấy tháng mới tròn 18 tuổi. Đi bộ đội về, ông dò ý con lần nữa về việc xuất khẩu lao động, nhưng rồi còn chút bất mãn vì “đi hụt” của lần đăng ký trước, con trai ông lắc đầu. Anh quyết định đi học nghề thợ xây.
Ông Tấn băn khoăn: “Tôi cũng muốn con đi làm việc ở chỗ trả lương cao để thay đổi cuộc sống, phụ giúp cha mẹ già. Nhưng gia đình tôi thấy thủ tục có phần rắc rối, nghe phong thanh là còn phải chịu chi phí trong thời gian học ngoại ngữ. Rồi học xong không biết có được đi liền hay không, hay là phải chờ đợi?”.
Cũng có 2 người con trai sinh đôi đang tuổi 22, nhà bà Lê Thị Đạo (52 tuổi, ở làng Kinh Tế) được địa phương chọn trực tiếp tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động. Nghe cán bộ trao đổi, bà Đạo bày tỏ vẻ e ngại: “Hồi giờ ở làng tôi ít người đi xuất khẩu lao động quá! Không biết người ta đi về thì có vốn liếng để làm ăn không hay là rước thêm nợ nần ?”
Nói về sự nghi ngại của người dân địa phương, bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, thừa nhận: “Bà con địa phương còn tâm lý ngại đi xa. Hơn nữa, có quá ít trường hợp tham gia xuất khẩu lao động dẫn đến việc thuyết phục bà con gặp khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã mới chỉ có 4 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, 2 người về nước đúng hạn, 1 người về trước hạn và 1 người đang làm việc tại nước ngoài (xuất cảnh năm 2013 qua Malaysia). Hiện nay, thấy rõ tác động của xuất khẩu lao động đến kinh tế gia đình nhất vẫn là trường hợp chị Duyên - người đi xuất khẩu năm 2013, vẫn đều đặn gửi tiền lương về phụ giúp mẹ trả nợ, sửa chữa nhà ở”.
Giải đáp cụ thể
Nhận thức được “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, từ năm 2014, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với các địa phương lựa chọn các hộ gia đình có con em đang trong độ tuổi lao động, chưa có việc làm ổn định để tư vấn tận nhà. Với mỗi trường hợp, cán bộ Trung tâm và cán bộ ở xã, làng đều lắng nghe những khó khăn, lo lắng của hộ gia đình và cố gắng truyền đạt thật cụ thể về hướng trợ giúp.
Tại buổi tư vấn cho 10 hộ gia đình ở làng Hà Lũy và Kinh Tế (xã Canh Thuận) vào chiều tối 19.10, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức về xuất khẩu lao động khi được thông tin tuyên truyền. Thực hiện theo Quyết định 71/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020, các gia đình đã gạt bỏ được tâm lý sợ tốn kém khi tham gia xuất khẩu lao động. Đều là lao động có hộ khẩu tại huyện nghèo, con em của các gia đình được Nhà nước hỗ trợ học phí, tài liệu học tập, tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học, tiền tàu xe và tín dụng ưu đãi tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường khi xuất cảnh... Cụ thể hơn, trường hợp con trai ông Lê Văn Tấn (hiện đang là thợ xây) có thể tham gia xuất khẩu qua Malaysia, Nhật Bản làm công nhân xây dựng sau khi đăng ký khám sức khỏe và hoàn tất khóa học ngoại ngữ. Trường hợp 2 người con trai của bà Lê Thị Đạo, một người vừa tốt nghiệp Cao đẳng trung cấp y có thể trở thành ứng viên Chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản; người còn lại đang là lao động tay chân có thể tham gia xuất khẩu ở thị trường có yêu cầu thấp hơn như Malaysia...
Qua sự hướng dẫn cụ thể của các cán bộ, nhiều phụ huynh xóa đi những nghi ngại ban đầu và cho biết sẽ trao đổi lại với con em. Nhiều hộ có tiệm tạp hóa nhỏ đã chủ động xin nhiều tài liệu tuyên truyền để thông tin cho họ hàng, người đến mua hàng tại tiệm. Không chỉ thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, từ hoạt động tuyên truyền tại nhà dân, nhiều con em đã gọi tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Chỉ riêng ở Canh Thuận, sau đợt tuyên truyền tại nhà dân vào tháng 8 trước đó, 3 thanh niên đã đăng ký khám sức khỏe và làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Malaysia. Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở LÐ-TB&XH, đến tháng 9.2015, các đơn vị xuất khẩu lao động đã đưa 194 lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài (đạt 77,6% kế hoạch). Trong đó, có 161 lao động đi làm việc tại Nhật Bản; 12 lao động đi Hàn Quốc; 5 lao động đi Malaysia; 4 lao động đi Ðài Loan; 8 lao động đi Qatar... Quý VI.2015, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu lao động, nhất là ở 3 huyện nghèo.
NGUYỄN MUỘI