Văn chương Bình Định năm 2015: Sôi động và hứa hẹn
Từ đầu năm 2015 đến nay, lĩnh vực văn chương của tỉnh chứng kiến sự ra đời của hàng chục tác phẩm mới ở nhiều thể loại - số lượng nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây.
Số lượng tác phẩm vượt trội
Theo thống kê của văn phòng Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Bình Định, tính đến thời điểm này (chưa hết tháng 10.2015), văn phòng Hội đã nhận được 30 đầu sách của các tác giả hội viên, thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tạp bút, truyện dịch, nghiên cứu văn hóa dân gian… Trong khi đó cả năm 2014, Hội chỉ nhận được từ hội viên 15 đầu sách các loại. Con số 30 tác phẩm mới ra đời trong năm 2015 chắc hẳn sẽ còn tăng, vì còn một số cây bút khác cũng đang rục rịch chuẩn bị in sách, dự kiến cho ra mắt đứa con tinh thần của mình, vào những tháng cuối năm 2015.
Một số tập thơ của các tác giả Bình Định đã xuất bản từ đầu năm 2015 đến nay.
Các đầu sách mới tập trung chủ yếu ở hai mảng: thơ và truyện ngắn. Về thơ, có các tác phẩm: Lời của sóng (Phan Văn Thuần); Đắm đuối nửa tờ thơ (Đặng Quốc Khánh); Những quầng sáng chân trời (Võ Ngọc Thọ); Hương sen, Hoa (Vũ Văn Dân), Ru thai (Lê Ân). Về truyện ngắn, có các tác phẩm: Tuổi của tình yêu và 13 truyện ngắn khác (Trần Như Luận); Làng ven sông ngày ấy (Trần Quang Lộc); Nụ hôn muộn (Nguyễn Hữu Duyên); Cũng chỉ là giấc mơ (Mang Viên long); Ngọc trong sách (Nguyễn Huy); Đêm ảo huyền (Phạm Hữu Hoàng), Thà bị lừa dối (Ngô Văn Cư)…
Sự tăng đột biến và phong phú về số lượng cũng như thể loại đầu sách trong năm nay thật ra không phải là điều khó hiểu. “Đến hẹn lại lên”, đây là năm cuối cùng của đợt xét giải thưởng VHNT Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ V (2011 - 2015), vậy nên hầu hết các tác giả ấp ủ tác phẩm trong suốt năm năm qua đều cố gắng hoàn thành tác phẩm trước kỳ hạn. Mặc dù vậy, chính sự sôi động trong xuất bản sách mới, phong phú, đa dạng về thể loại, đề tài, nội dung các đầu sách sẽ góp phần không nhỏ vào việc xét tặng giải thưởng VHNT Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ V ở lĩnh vực văn học thêm nhiều sự so sánh, lựa chọn…
Hứa hẹn
Ở mảng văn xuôi, sau bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và tám ngàn đệ tử xuất bản năm 2014, năm nay, với Tuổi của tình yêu và 13 truyện ngắn khác, tác giả Trần Như Luận đang khẳng định mình là một cây viết văn xuôi giàu nội lực qua những mẩu chuyện xoay quanh các đề tài nhân sinh, sự thấu hiểu tâm lý và cách kể độc đáo.
Cùng với đó, có thể kể đến một tác phẩm cận văn học như cuốn Nhật ký nữ nhà báo chiến trường của nhà thơ Lệ Thu. Đây là cuốn sách được bà biên tập lại từ những trang nhật ký thuở còn làm phóng viên chiến trường trong thời kháng chiến. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhận xét về cuốn sách: “Sự nhạy cảm của một hồn thơ với sự kỹ càng sắc sảo của một nhà báo làm cho những trang nhật ký của chị có cái quánh bện của sự kiện và hồn người. Tôi ngạc nhiên về kỹ năng văn xuôi của Lệ Thu. Giữa sống chết, công việc với đủ sự va đập của chiến trường, chị chỉ chọn những gì nổi bật nhất trong ngày, rọi ánh sáng vào đấy, làm bật lên cốt lõi, thần thái của sự việc. Và không quên, không bao giờ quên cho ta biết nhịp đập tâm hồn của chị”.
Còn bên mảng thơ, có thể thấy, càng về cuối năm, càng xuất hiện thêm nhiều tác phẩm đặc sắc. Đơn cử như tập thơ Ru thai của nhà thơ Lê Ân vừa ra mắt trung tuần tháng mười. Quả không phụ lòng mong đợi của bạn đọc và thân hữu, Ru thai đã mang đến cho người đọc những câu thơ đầy tính nghiệm sinh sâu sắc. Nhà thơ Triều La Vỹ đã xin được giấy phép xuất bản và đang in tập thơ Nhật ký đêm. Nhà văn Lê Hoài Lương, chi hội trưởng chi hội Văn học, trước đây, khi đọc tập thơ Ba bờ nắng (Triều La Vỹ in chung với Lê Trọng Nghĩa và Trần Hoa Khá) đã nhận xét rằng thơ của Triều La Vỹ sẽ không đi xa được như văn xuôi. Nhưng sau khi đọc bản bông của tập Nhật ký đêm, nhà văn Lê Hoài Lương đã “phát biểu lại”, rằng: “Triều La Vỹ sẽ đi xa ở cả thơ và truyện ngắn!”.
Bằng việc điểm qua một số đầu sách mới của các cây bút trong tỉnh, khó có thể đánh giá toàn diện, sâu sắc về diện mạo văn chương ở một thời điểm. Song qua đó phần nào hiện lên bức tranh văn học với nhiều gam màu sáng…
LÊ VĂN ĐỒNG - SAO LY