Lupus ban đỏ - những điều cần biết
Lupus ban đỏ là một bệnh thường gặp trong các bệnh tự miễn, nguyên nhân do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể.
Độ tuổi thường mắc bệnh là 15-45, nữ chiếm 90%. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như khớp, da, thận, tim, phổi, mạch máu, não... Phụ nữ mang thai bị lupus ban đỏ có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn, tỉ lệ tử vong cao, nguy cơ sinh con nhẹ cân, đẻ non…
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lupus. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị kiểm soát hiệu quả và người bệnh vẫn có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Người bị lupus có các triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng và có thể tiến triển theo thời gian. Một số triệu chứng thường gặp: đau hoặc sưng khớp; sốt không rõ nguyên nhân và mệt mỏi kéo dài; ban đỏ đặc trưng (gọi là ban cánh bướm) xuất hiện trên mũi và má, ngoài ra có thể phát ban trên mặt, tai, cánh tay, vai, ngực, bàn tay hoặc các khu vực khác tiếp xúc với ánh mặt trời; đau ngực khi hít thở sâu; rụng tóc bất thường; ngón tay, ngón chân tái nhợt hoặc tím bầm; phù ở chân hoặc quanh mắt; loét miệng, sưng hạch; thiếu máu...
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh và cơ chế sinh bệnh chính xác của lupus ban đỏ chưa được biết rõ. Song, có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính: nhóm 1 - do di truyền, trong gia đình có người mắc lupus ban đỏ thì những người thế hệ sau, đặc biệt là những người thế hệ thứ nhất dễ bị mắc bệnh hơn; nhóm 2 - do các yếu tố mắc phải từ môi trường: các loại thuốc (thuốc chống trầm cảm và kháng sinh), trầm cảm nặng, phơi nắng (tia cực tím), hóc môn (như estrogen), viêm nhiễm.
Vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên mục tiêu điều trị là ngăn chặn đợt cấp, làm giảm thiểu tổn thương cơ quan và các biến chứng. Cần lưu ý là tất cả các thuốc điều trị lupus đều có tác dụng phụ, bệnh nhân dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp có thể giúp bệnh nhân phòng tránh hoặc giảm mức độ nặng của bệnh. Những dấu hiệu cảnh báo đợt cấp lupus là: tăng mệt mỏi, đau khớp, đau cơ, phát ban, sốt, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt. Nên sử dụng kem chống nắng, giảm căng thẳng và tập thể dục. Nên áp dụng các biện pháp tránh thai cho phụ nữ lupus có nguy cơ cao, lưu ý không nên dùng thuốc uống tránh thai. Nên tiêm phòng cúm hàng năm hoặc tiêm phòng phế cầu khuẩn đối với một số bệnh nhân. Phụ nữ mắc lupus cần được chăm sóc y tế dự phòng thường xuyên như khám phụ khoa và khám vú. Kiểm soát huyết áp và cholesterol. Khám mắt thường xuyên để sàng lọc và điều trị các vấn đề về mắt khi điều trị bằng corticoid và thuốc chống sốt rét. Lựa chọn lối sống lành mạnh: ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc lá.
BS VÕ BẢO DŨNG