Chung tay cùng giúp người lầm lỡ hoàn lương
Cần có thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa cho thanh niên hoàn lương, nhất là về tìm việc làm, vốn sản xuất kinh doanh và xóa bỏ kỳ thị, đó là những nội dung mà Trại giam Kim Sơn (ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) và Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng đề xuất khi Tổng kết chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2011-2015”.
Khó đủ bề
Cuối năm 2008, anh Huỳnh Xuân Phong (27 tuổi, ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) lãnh án tù 1 năm vì tội cố ý gây thương tích. Nhờ cải tạo tốt, anh được đặc xá, ra tù trước thời hạn. Trở về nhà, không kiếm được việc làm ở quê, vốn liếng không có, lại mặc cảm với láng giềng, Phong lên Gia Lai tiếp tục làm thợ sắt, công việc của anh trước kia. Xa nhà, đêm đêm, hình ảnh cha mẹ già ở quê mòn mỏi trông ngóng con cứ hiện về, thôi thúc anh phải quyết tâm dành dụm, tích góp tiền để về quê mở cơ sở sản xuất của riêng mình. Đến năm 2012, Phong về quê mở cơ sở làm đồ nhôm, sắt.
Được sự quan tâm hỗ trợ của cơ sở Đoàn- Hội, thanh niên hoàn lương ở xã Tam Quan Bắc đã hòa nhập tốt ở cộng đồng.
Nhưng mọi việc không suôn sẻ như anh nghĩ. Không có người đặt hàng, vốn ít, khó nhận những công trình lớn, bản thân anh lại không đủ tự tin để chào mời khách hàng. Phong kể: “Lắm lúc nản, tôi nghĩ đến chuyện buông xuôi. Thời gian khá lâu sau đó, phần thì gia đình động viên, phần thì được đoàn thể giới thiệu và “bảo lãnh” giúp tôi được nhận các đơn hàng nho nhỏ, nên tôi không nản chí. Tôi cố gắng phụ ba mẹ việc nhà, phụ anh chị nhiều việc khác và hễ có khách đặt hàng là luôn đảm bảo chất lượng, giá rẻ và hoàn thành sớm, tạo niềm tin cho khách hàng”.
Với những phạm nhân đã có nghề nghiệp trước khi phạm tội như trường hợp của anh Phong, khi ra tù làm lại nghề cũ, nếu có được sự giúp đỡ tích cực từ gia đình, xã hội, việc tái hòa nhập có nhiều thuận lợi. Cá biệt, có những trường hợp từng phạm tội, sau khi ra tù đã trở thành những người kinh doanh, lao động giỏi. Điển hình như anh Nguyễn Đức Hòa, 28 tuổi, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, là chủ tiệm chuyên làm thạch cao, đại lý tole lợp; anh Lưu Thanh Tài, 28 tuổi, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, là chủ tiệm sửa xe máy; Nguyễn Trùng Dương, 22 tuổi, KV5, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn đang là giám đốc Công ty Dương Gia chuyên làm quảng cáo và trang trí nội thất...
Tuy nhiên, phần nhiều, người mãn hạn tù khi trở lại với cộng đồng đều gặp nhiều khó khăn. Người thì kiếm không ra việc làm, không có nghề nghiệp, người thì thiếu cả vốn kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt; khó khăn lại chồng chất thêm khi gặp sự xa lánh của cộng đồng, mặc cảm về tội lỗi, quá khứ lầm lỗi khiến người sống khép kín.
Gỡ khó từng bước một
Tại buổi Tổng kết chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2011-2015” của Trại giam Kim Sơn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh, tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã chia sẻ phương pháp, hình thức cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng thanh niên yếu thế tiến bộ, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Anh Huỳnh Văn Duy, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Hoài Ân, cho biết: “Trong 5 năm qua, Hội LHTN Việt Nam huyện nhận giúp đỡ 48 thanh niên chậm tiến và họ đã tiến bộ, giới thiệu được 22 thanh niên có việc làm. Trong khả năng của mình, các cơ sở Hội hoàn toàn có thể giúp đỡ thanh niên chậm tiến để họ tự tin, tránh kỳ thị; nhưng để giải quyết vấn đề việc làm và hỗ trợ vốn trong giai đoạn đầu thì rất cần có sự hỗ trợ của Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng như các ngành, địa phương”.
Trong khả năng của mình, các cơ sở Hội hoàn toàn có thể giúp đỡ thanh niên chậm tiến để họ tự tin, tránh kỳ thị; nhưng để giải quyết vấn đề việc làm và hỗ trợ vốn trong giai đoạn đầu thì rất cần có sự hỗ trợ của Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng như các ngành, địa phương.
Anh HUỲNH VĂN DUY, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Hoài Ân
Về phía Trại giam Kim Sơn, Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết: “Trước khi phạm nhân hết án, chúng tôi tổ chức nhiều buổi lên lớp giáo dục họ ý thức công dân, chuẩn mực đạo đức xã hội, kiến thức pháp luật, đặc biệt là kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng. Trong khuôn khổ chương trình phối hợp với Hội LHTN Việt Nam tỉnh, chúng tôi tổ chức nhiều chương trình tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe để giúp phạm nhân tự tin hơn. Tuy nhiên, việc hướng nghiệp, dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề để sau khi ra trại phạm nhân có thể tìm việc làm phù hợp thì chưa được nhiều”.
Thực hiện chương trình phối hợp trên, giai đoạn 2011 - 2015, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh đã mở được 2 lớp sơ cấp nghề cơ khí và hàn (3 tháng/lớp) cho 30 phạm nhân. Anh Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Chúng tôi cố gắng hết sức để có kinh phí, đưa giáo viên lên dạy cho các phạm nhân trong suốt thời gian dài. Điều chúng tôi rất mừng là có 9 phạm nhân xếp loại giỏi, chiếm 30% số học viên, điều khó thấy ở các lớp học nghề dành cho thanh niên khác. Các phạm nhân học nghề với tinh thần hăng say, chăm chỉ, với ước mơ có thể hòa nhập tốt cộng đồng, có nghề nuôi sống bản thân và gia đình khi mãn hạn tù”.
Như vậy, việc xác định hướng đi đúng để thanh niên hoàn lương có thể tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn, tránh tình trạng tái phạm tội, đã được mở ra, vấn đề còn lại là cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa và tích cực hơn từ các cơ quan liên quan và cả cộng đồng, xã hội. Trong chương trình phối hợp ở giai đoạn 2016- 2020, lãnh đạo Trại giam Kim Sơn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh đều kiến nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện về vay vốn, các ngành hỗ trợ kinh phí để dạy nghề và giới thiệu việc làm, tạo chất “xúc tác” để cho thanh niên hoàn lương tự tin, nỗ lực, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
HẢI YẾN