Nữ công nhân có nhiều sáng kiến
Ðó là chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh, 39 tuổi, công nhân bậc 4/7, Tổ phó Tổ sản xuất bán thành phẩm, Công ty cổ phần Gạch Tuy nen Bình Ðịnh. Với kinh nghiệm hơn 18 năm trong nghề, trong đó có phân nửa thời gian làm việc ở bộ phận phơi đảo, chị Thanh đã có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất khâu này, làm lợi cho Công ty hàng năm gần 400 triệu đồng.
Tổ sản xuất bán thành phẩm của Công ty cổ phần Gạch Tuy nen Bình Định có 30 công nhân, chiếm gần 40% lao động của phân xưởng; chị Thanh là người trực tiếp phụ trách bộ phận phơi đảo, gồm 12 công nhân. Bộ phận này có nhiệm vụ đảo, phơi gạch bán thành phẩm do bộ phận tạo hình chuyển sang, đảm bảo gạch bán thành phẩm khô để chuyển giao cho tổ xếp goòng, xếp sản phẩm đưa vào lò sấy nung. Chị cho biết: “Đặc điểm của bộ phận phơi đảo là không làm việc theo dây chuyền nên rất khó trong giao việc, quản lý khối lượng công việc của từng công nhân. Lúc trước, sản phẩm chung của cả bộ phận được tính bình quân cho từng cá nhân, từ đó, một số công nhân nảy sinh tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm nên năng suất lao động, hiệu quả thấp. Cũng từ vấn đề này mà bộ phận xếp goòng nhiều khi không đủ bán thành phẩm khô để xếp, đành phải xếp bán thành phẩm ướt; dẫn đến chất lượng sản phẩm thường đạt thấp và phế phẩm cao”.
Là người trực tiếp phụ trách bộ phận và tâm huyết với nghề, sau nhiều trăn trở, chị Thanh mạnh dạn đem những suy nghĩ của mình trao đổi với lãnh đạo Công ty, xin bố trí lại lao động theo từng vị trí công việc trong bộ phận; cắt giảm những vị trí thừa, không cần thiết. Hàng ngày, chị phân công công việc cụ thể cho từng công nhân, nhóm công nhân. Đến cuối ngày, từng công nhân, nhóm công nhân tự báo cáo số lượng, vị trí tập kết sản phẩm đã thực hiện trong ngày. Sau đó, người phụ trách tổ sẽ kiểm tra, xác nhận số lượng cho từng công nhân rồi quy đổi ra điểm để làm cơ sở đến cuối tháng tổng hợp thanh toán lương.
Ngoài ra, chị Thanh còn đề xuất phương pháp bóc đảo sản phẩm theo từng lớp rồi đem phơi theo chiều gió; đồng thời, sản phẩm sau khi phơi đảo thì dùng bạt che vào ban ngày và mở ra vào ban đêm (tùy theo tình hình thời tiết) để sản phẩm nhanh khô, đảm bảo chất lượng. Tất cả các ý kiến của chị Thanh đều được Ban giám đốc tiếp thu, ủng hộ và tạo điều kiện cho chị thực hiện.
Nhờ vậy, tình trạng ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể của một số công nhân ở đây không còn nữa, tiền lương, thu nhập của công nhân tăng lên, công nhân có động lực thi đua làm việc và nâng cao năng suất lao động. Việc này giúp cung cấp đủ bán thành phẩm khô cho bộ phận xếp goòng, đặc biệt, chất lượng sản phẩm tăng, thường xuyên đạt và vượt định mức, phế phẩm giảm.
Đánh giá về chị Thanh, ông Ngô Quốc Vương, Quản đốc Công ty cổ phần gạch Tuy nen Bình Định, nói: “Chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh là một công nhân rất yêu nghề, làm việc tận tụy, sáng tạo, nhạy bén và có tính khoa học, kỷ luật cao. Bất cứ công việc gì chị Thanh cũng đem hết sức mình tìm tòi, nghiên cứu và sắp xếp hợp lý, hoàn thành đúng thời gian, hiệu quả và chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho Công ty”.
Với những thành tích nổi bật trên, nhiều năm qua, nữ công nhân Nguyễn Thị Mỹ Thanh đã được các cấp khen thưởng. Năm 2012, chị được Huyện ủy Tuy Phước tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mới đây, chị là một trong số ít công nhân, lao động vinh dự được đi dự Đại hội thi đua trong công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ IX - năm 2015.
THIÊN KHÁNH