Ngày đầu mùa
Ngày đầu mùa gió lạnh, những lọn tóc vàng với ít nắng còn sót lại, tôi nghĩ đến mùa đang chờ đón mình phía trước, khẽ xuýt xoa. Hình như còn có nhiều thứ lạnh hơn khi tôi bắt gặp gương mặt của một người đàn ông đang quét dọn nhà cửa. Khi những tia nắng dần tắt, ông đến và kéo cánh cổng đã ngả màu, bên trong trống trơn. Có lẽ ông đang đối diện với nhiều thứ hơn là căn phòng này. Vài năm trước, khi con gái chuyển về sống gần với gia đình, căn nhà được mua cạnh nhà ông, chỉ cách vài bước chân. Như bao cặp vợ chồng già khác ở gần con, ông bà có thể giúp con nấu nướng, coi sóc nhà cửa, cùng đi tập thể dục sáng sớm và chiều chiều ghé qua thăm nom.
Vợ chồng con gái thì khá bận rộn, đến cuối tuần lại về nhà chồng nên không sắm sửa gì nhiều. Đến lúc dọn đi thì cũng rất nhanh. Công việc làm ăn tốt nên anh chị chuyển ra phố. Ông cũng nói với tôi mấy tháng trước về nhiều cái lợi của việc chuyển nhà, căn nhà này tạm thời để đó cho ông coi. Hôm nay cũng vậy, ông đến và nhìn ngắm, cây trước sân vẫn mọc, chỉ có điều không được tỉa tót, vài chậu lan để lại chưa mang theo và giấy, rác dồn lại một góc… Nếu chỉ có thế chắc sẽ dễ dọn dẹp hơn là những bộn bề trong lòng. Tiếng nhà bên rộn ràng, mẹ của cô hàng xóm đến thăm chơi dù đã lớn tuổi, lúc về bước lên xe, chân không vững nên phải nhờ con đỡ tay cho. Có lẽ sau này ông bà cũng thế thôi, sẽ sang nhà mới để phụ giúp vợ chồng trẻ nấu nướng, đi có xa hơn một chút nhưng không sao.
Tôi nhớ có lần nghe nói về chuyện sống chung nhà nhưng không thể hòa hợp nên vợ chồng người con đành dọn ra ở riêng. Rồi lại nhớ đến những ngậm ngùi của một người bạn khi lập nghiệp, ở xa, mỗi năm chỉ có dịp hè là tranh thủ về với ông bà được một tháng, còn lại chủ yếu là hỏi thăm qua điện thoại. Có lần nghe thầy giảng, giọng buồn buồn: “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho”, nhất là hôm mẹ thầy mất, tôi không khỏi chạnh lòng. Đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk với bộ phim “Căn phòng trống” cũng đã đề cập đến vấn đề này. Đứa con trên thành phố cung cấp những thứ cần thiết cho cha mình ở quê, gọi những cuộc điện thoại hỏi han hằng ngày và nghĩ như vậy là đủ. Cho đến khi cha họ chết một cách âm thầm, chẳng ai hay biết.
Thực ra họ không hề bất hiếu, nhưng cách họ suy nghĩ về cuộc sống của những người lớn tuổi lại không thể hiện đủ được điều mà những đứa con cần phải làm, chuẩn bị để sống với những tháng ngày tuổi già của cha mẹ. Đó cũng chỉ là sự cố gắng giải tỏa những bất lực hàn gắn bao rạn nứt riêng - chung, vật chất - tinh thần, được - mất… trong dòng chảy đầy xáo trộn biến thiên giữa các thế hệ mà vẫn bất như ý. Tôi nhẩm lại vài câu đã cũ, giọt nước mắt chảy xuôi, có bao giờ…
ĐĂNG NGUYÊN