Vượt qua “cơn bão” tiền mãn kinh
Hầu hết phụ nữ nghĩ rằng tiền mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên, chỉ cần chờ đợi, những thay đổi khó chịu sẽ tự biến mất. Song, ngoài những thay đổi tâm sinh lý, một số người dễ mắc bệnh lý trầm cảm, tim mạch và nguy cơ ung thư tăng cao. Do đó, ở giai đoạn này, nếu chăm sóc sức khỏe đúng cách, chị em sẽ giảm bớt khó chịu, kiểm soát và tầm soát bệnh tật thuận lợi hơn.
Chuyện không của riêng ai
Vừa mừng sinh nhật lần thứ 45 cùng gia đình, chị Hoàng Anh (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) nhận thấy có nhiều bất ổn trong cơ thể. Da ở mặt và bàn tay của chị xuất hiện các vết nám, chị lại hay mất ngủ hay cáu gắt, cơ thể có cảm giác nóng, lạnh bất thường, tim đập nhanh...
Phụ nữ cần chăm sóc làn da, sức khỏe, đời sống tinh thần của mình nhiều hơn khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
- Trong ảnh: Chăm sóc da ở spa của đại lý mỹ phẩm Ohui, TP Quy Nhơn.
Chị Anh lo lắng, sợ mình mắc bệnh nên đi khám tổng quát ở BVĐK tỉnh nhưng bác sĩ không phát hiện ra bệnh. 6 tháng sau, các rối loạn về tâm sinh lý càng trầm trọng hơn, chị Anh vội vào TP Hồ Chí Minh khám tổng quát tại Trung tâm y khoa Medic (Hòa Hảo). Các bác sĩ ở đây chẩn đoán chị đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Chị Hoàng Anh kể: “Có kết quả cụ thể, được bác sĩ hướng dẫn việc uống thuốc bổ sung nội tiết tố, tập luyện sức khỏe, ăn uống bồi bổ, giúp tôi bớt lo lắng và vượt qua cơn khủng hoảng”.
Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ có sự thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Nhiều chị em do thiếu kiến thức, hoặc hiểu biết vấn đề chưa toàn diện, nghĩ rằng giai đoạn này chỉ cần bù đắp sự thiếu hụt nội tiết tố là đủ. Đọc một số sách báo và tài liệu y khoa, chị Quỳnh Chi, 47 tuổi (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đã chuẩn bị tinh thần, lên sẵn cho mình kế hoạch “sống chung” với tiền mãn kinh, như đi bộ để rèn luyện sức khỏe, bổ sung nội tiết tố bằng các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo và bày bán trên thị trường, ăn nhiều trái cây và rau xanh..., nhưng cuối cùng, chị Chi vẫn bị “bão” cuốn. Đầu tiên là xương khớp tê và đau nhức, sau đó cơ thể chị tăng cân nhanh, nhất là ở vùng bụng, rồi xuất hiện khối u ở ngực. Chị rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề. Cuộc sống của chị và gia đình bị xáo trộn.
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thì: Phụ nữ từ khoảng 45 tuổi trở lên sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Ngoài các dấu hiệu kể trên, phụ nữ mất dần ham muốn tình dục, dịch tiết âm đạo giảm và khô, âm đạo teo nhỏ, kém co giãn và dễ bị tổn thương, dễ nhiễm khuẩn. Rất nhiều chị em băn khoăn, lo lắng nhưng chưa được trang bị kiến thức toàn diện đã lo uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố không đúng cách, làm nguy hại đến sức khỏe. Tác dụng phụ của việc lạm dụng này gồm: tăng cân, tăng huyết áp, nguy cơ huyết khối, u ác tính, thường gặp là ung thư vú.
Chị em nên tự tạo cho mình niềm vui bằng cách đọc sách, đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí và tránh để bản thân chịu quá nhiều áp lực.
Hiểu đúng để kiểm soát tốt
Vậy chị em cần làm gì để vượt qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng? Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bích cho biết: “Rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện chủ yếu nhất trong thời kỳ tiền mãn kinh, biểu hiện là vòng kinh dài, ngắn và ra huyết bất thường. Ở phụ nữ, nội tiết tố nữ (estrogen) đóng vai trò quan trọng trong việc “thiết kế” dáng vóc, da dẻ, tính tình, chức năng làm vợ, làm mẹ cho đến cả phong cách sống, lối sống, sinh hoạt phòng the..., nên ở giai đoạn này, estrogen giảm khiến tâm sinh lý chị em thay đổi hoàn toàn, rõ nét, đa dạng. Ví dụ, có người vốn tính tình sôi nổi thì trở nên trầm mặc, lo âu, băn khoăn, chán nản hay thất vọng, thường không vừa lòng với môi trường xung quanh. Các triệu chứng này kéo dài độ vài năm rồi tự hết, do cơ thể đã quen dần với tình trạng thiếu hụt estrogen. Tuy nhiên, cũng có người thấy những triệu chứng này nặng hơn khi đã chuyển sang giai đoạn mãn kinh thật sự”.
Nhằm tăng sức đề kháng, tránh nguy cơ suy giảm sức khỏe nghiêm trọng giai đoạn tiền mãn kinh, chị em cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Để có sức khỏe và tinh thần ổn định, vượt qua những bất thường giai đoạn này, lời khuyên của các chuyên gia là chị em cần tập thể dục thường xuyên, phù hợp với lứa tuổi. Hãy tự tạo cho mình niềm vui bằng cách đọc sách, đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí và tránh để bản thân chịu quá nhiều áp lực. Bên cạnh đó, cần thiết có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau quả, trái cây tươi, uống nhiều nước, hạn chế tinh bột, đường, muối, thịt đỏ... Về sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng, bác sĩ Bích khuyên, chị em cần trao đổi với các chuyên gia để được tư vấn sử dụng các loại có nguyên liệu thảo dược nhằm đem lại công dụng tốt hơn, giúp chị em nhẹ nhàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
HẢI YẾN