Cải thiện môi trường du lịch
Trong những năm gần đây, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có tốc độ phát triển khá nhanh ở nước ta, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho một lực lượng lớn lao động xã hội, đồng thời hỗ trợ và tạo đà cho nhiều ngành, lĩnh vực phát triển.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển tích cực, du lịch Việt Nam còn nhiều bất cập. Đặc biệt nổi lên là tình trạng môi trường du lịch, cả về tự nhiên và xã hội, ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Các yếu kém phổ biển như: Cảnh quan các điểm du lịch xuống cấp, biến dạng, mất vệ sinh nghiêm trọng; nạn cướp giật, chèo kéo, đeo bám, chèn ép khách du lịch; tình trạng bán hàng rong, ăn xin tại các điểm du lịch... đã và đang tác động xấu đến hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc cải thiện môi trường du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển hiệu quả và bền vững. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, tổ chức ngày 6.6, đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện môi trường du lịch. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch hợp lý, nghiên cứu cơ chế phối hợp về bảo đảm môi trường, an ninh, an toàn, chống chèo kéo, ép giá khách du lịch; bảo đảm môi trường phục vụ khách du lịch văn minh, lịch sự... Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung đào tạo nhân lực cho ngành du lịch; tăng cường tập huấn người dân nâng cao ý thức về cải thiện môi trường du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, công nhận những đơn vị đạt chuẩn về kinh doanh du lịch, nêu những vấn đề tồn tại để khắc phục, hướng đến nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam.
Cũng trong bối cảnh chung của cả nước nên ngành du lịch Bình Định cũng không tránh khỏi các yếu kém như đã nêu, tuy mức độ không đến mức nghiêm trọng như nhiều nơi khác. Chẳng hạn, tỉnh ta có trên 134 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, có đủ điều kiện để phát triển du lịch, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi biển này còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Tương tự, tỉnh ta có truyền thống lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc nhưng những tài nguyên du lịch nhân văn này chưa được quy hoạch, đầu tư một cách bài bản, đúng tầm và mang tính chuyên nghiệp để thu hút khách du lịch. Các bất cập này là lực cản rất lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Bình Định. Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền và ngành liên quan đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu du lịch nhưng kết quả đạt được vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực...
Để cải thiện hình ảnh về du lịch Việt Nam - Điểm đến an toàn và thân thiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án “cải thiện môi trường du lịch Việt Nam” nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng cướp giật, ép giá, đeo bám khách du lịch, tạo cơ hội, tiện nghi, tăng cường dịch vụ du lịch mang ấn tượng Việt Nam. Theo định hướng này, vấn đề mà từng địa phương cần thực hiện là tăng cường quản lý, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức và mọi người dân nhằm tạo môi trường thân thiện, cởi mở, an toàn để nâng cao chất lượng của hoạt động du lịch, tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch trong nước và quốc tế...
Nói tóm lại, thực hiện chương trình phối hợp hành động cải thiện môi trường du lịch Việt Nam trên bình diện quốc gia và từng địa phương là vấn đề có tính nền tảng để phát triển có hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn này.
Hải Đăng