“Vàng” của bài chòi dân gian
14 tuổi bà đã thành đào nhứt, bôn ba khắp nơi cùng những gánh bài chòi. Dù hội chín chòi sôi nổi hay hội bài chòi trải chiếu ấm cúng, bà đều góp mặt. Gần 80 tuổi, tuy tiếng là đã “giải nghệ”nhưng nỗi nhớ nghề vẫn đau đáu. Bà là nghệ nhân dân gian Lê Thị Đào (tức Bốn Đào).
Nghệ nhân Lê Thị Đào đang trình diễn trong Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ cho công tác điền dã, ghi tư liệu của Viện Âm nhạc. Ảnh: Tạp chí Văn hiến
Quê bà ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước). Chừng mươi tuổi bà học hát theo kiểu “học lỏm”, khi thầy Bảy Xiêm mở lớp dạy bài chòi cho con em mấy nhà khá giả trong vùng. Thầy dạy bằng chữ Hán, chữ Nôm, bà không biết chữ, chỉ nghe mà học thuộc lòng. 14 tuổi bà đã trốn nhà theo các gánh bài chòi, chuyên sắm đào.
Cũng từ các gánh bài chòi, bà gặp người bạn đời của mình, từ đó hình thành cặp nghệ nhân bài chòi cổ nổi tiếng: Lê Thị Đào - Minh Trạng.
Những năm 90 (thế kỷ XX), bà gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định do cố nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn làm Chủ nhiệm. Là thế hệ học trò đầu tiên được truyền dạy bài chòi cổ theo phương thức dân gian còn sống, nắm giữ và tích tụ những tinh hoa của bài chòi cổ, nghệ nhân Lê Thị Đào là nguồn tư liệu quý để khai thác, phục vụ bảo tồn.
Nghệ nhân Lê Thị Đào bồi hồi với những món đồ trang điểm, trang phục biểu diễn gắn bó cùng bà một thời hô hát bài chòi. Ảnh: SAO LY
Năm 2007, nghệ nhân Lê Thị Đào được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian.
PGS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, người chủ trì đợt điền dã, sưu tầm tư liệu về bài chòi dân gian Bình Định từng nhận xét: “Những tâm tình, tài năng của cụ Đào khiến tôi xúc động, ấn tượng về lòng yêu nghề của một nghệ sĩ đích thực và cao cấp lắm! Những nghệ nhân như cụ Lê Thị Đào thực sự là “báu vật nhân văn sống” mà tỉnh Bình Định cần có thái độ ứng xử hợp lí, như tạo điều kiện truyền dạy thường xuyên cho lớp trẻ vì quỹ thời gian của cụ không còn bao nhiêu”.
Mời bạn nghe chuyện đời, chuyện nghề của nghệ nhân Lê Thị Đào qua video dưới đây.
HOÀNG PHẠM