Giấc mơ to trong ngôi nhà nhỏ
* Truyện ngắn của NGUYỄN KIM THƯƠNG
Hoàng hôn buông nhẹ trên mặt biển, đâu đó còn sót lại chút ánh hồng của ban chiều. Trải lòng với biển, trải lòng với hoàng hôn làm tâm hồn ta thấy nhẹ nhàng hơn sau những tất bật của cuộc sống. Tôi không thích sự bon chen, náo nhiệt. Đó là một trong những lý do mà tôi chọn nơi đây, một thành phố biển hiền hòa, để bắt đầu cho những dự định. Trải mình trên cát, tôi hít thật mạnh hương nồng của biển, thật thoải mái làm sao! Ước gì cứ mãi như thế này…
Nhớ cái ngày đầu ở quê lên thành phố gì cũng lạ, gì cũng mới, mà gì cũng sợ!. Hành trang tôi mang theo là vài cuốn sách yêu thích, vài bộ đồ và vài trăm ngàn ba mẹ nhét vội vào túi để tôi vào thành phố nhập học. Quả thực so với các thành phố khác, mức tiêu xài ở đây rẻ hơn nhiều. Nhưng kinh tế eo hẹp nên tôi ráng kiếm cho mình một phòng trọ rẻ nhất có thể. Đi, đi mãi, tôi dừng lại trước con hẻm có dòng chữ: “Cho thuê trọ giá rẻ”. Loay hoay chưa biết hỏi ai thì “bịch”, một trái banh sút thẳng vào mặt làm tôi choáng váng và ngồi thụp xuống đất, trời đất như quay cuồng. Chưa kịp định hình là chuyện gì đã xảy ra thì một bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại lay lay người tôi. Tôi lấy hết chút sinh khí cuối cùng mở mắt ra, một đôi mắt to tròn, một chiếc răng khểnh với nụ cười thật duyên, có chút ngập ngừng lo lắng, và có chút gì đó tỏ vẻ có lỗi lắm!...
- Chị! Sao choáng lâu thế? Nhóc đứng đây cả buổi rồi á!
- Sao nào? Có chuyện gì quan trọng…
Tôi chưa kịp dứt câu, cậu ta đã giành ngay chiếc xe đạp cọc cạch từ tay tôi dắt thẳng vào cuối con hẻm. Nơi ấy có một ngôi nhà nhỏ và cũ kỹ nếu không muốn nói là rách nát. Tôi nghĩ những con người tá túc tại đây chắc phải chia nhau từng thứ một, ngay cả chút không khí. Thế nhưng, trong căn nhà tối tăm và ủ dột ấy, tôi tìm thấy một góc thật sáng sủa và đẹp đẽ. Nơi đó được bày biện và trang trí bằng những tấm giấy khen dán đầy tường, chen nhau trên bờ tường hẹp; một cái kệ sách với những cuốn sách không mới nhưng luôn phẳng phiu. Nhìn vào đó, ai cũng thấy được rằng chủ nhà quan tâm đến góc nhỏ này nhất…
Cậu nhóc nhanh nhẹn tới nỗi tôi không kịp phản ứng gì. Dựng nhanh chân chống xe, cậu ta nắm lấy cổ tay tôi kéo vào nhà. Tôi chưa kịp chào chú chủ nhà, thì bé út của chú đã nhảy sà vào ôm lấy cổ tôi: “Ba ơi! Chị đến rồi nè!”. Chú vui ra mặt, nhưng vẫn loay hoay nấu ăn. Tự dưng tôi cảm thấy như được về chính ngôi nhà của mình. Ấm áp và yêu thương đến lạ! Trong lòng tôi thật nhiều thắc mắc sao chú lại ở nhà giờ này và sao ai cũng vui tươi hơn thường ngày?...
Nhà chỉ có ba người, bao năm nay chú vừa làm mẹ, vừa làm cha của hai đứa trẻ. Được biết khi sinh bé út được ba tháng vì nhà nghèo, ba mẹ hai bên đều ở xa, nên cô phải đi làm việc sớm… Thế là trong một đợt sốt, cô đã bỏ ba cha con ở lại mà ra đi mãi mãi. Chú phải xin sữa của cô hàng xóm cho bé. Thoắt một cái đã bảy năm…
Từ khi dọn đến xóm trọ này tôi cũng hay qua nhà chăm bé út giúp chú. Thằng lớn đi học, chú thì đi làm thợ hồ, trưa nắng thế nào chú cũng tranh thủ chạy về trông con, và lo cơm nước cho chúng. Cái cảnh gà trống nuôi con ai nhìn cũng phải chạnh lòng!
* * *
Gọi là tiệc nhưng thật ra đó là bữa cơm bình thường chỉ thêm con gà, vài lát cá, ít thịt kho… mà thường ngày tụi nhỏ không được ăn. Con bé sung sướng cầm cái đùi gà trên tay vừa ăn vừa phụng phịu: “Tất cả là nhờ anh Hai nhà mình. Sau này em thi đậu đại học sẽ được ăn tiệc nữa anh Hai hé?”. Cả nhà cười vang sau câu nói thơ ngây của cô bé.
- Ăn đi cháu, chú xin nghỉ làm sớm chạy ra chợ mua về nấu đó. Hôm nay thằng Vọng nó có giấy báo đậu Đại học Y, chú ứng ít lương làm bữa cơm thết đãi nó…
Chú gắp bỏ vào chén chúng tôi đầy những thức ăn. Còn chú, một cái chân gà, chú nhấm nháp ly rượu trắng. Từ nãy giờ chú không ăn, mà cứ lặng lẽ nốc từng ly rượu trắng. Tôi muốn nói một điều gì đó với chú, nhưng không biết phải bắt đầu thế nào nên thôi. Ánh mắt chú nhìn đăm đăm lên bàn thờ của cô. Nốc nốt ít rượu còn lại trong ly, chú khề khà nói:
- Bà thấy không, nó làm được rồi đấy! Ngày bà đi, nó ôm bà khóc và hứa sẽ học giỏi để làm bác sĩ. Giờ thì nó có cơ hội được làm bác sĩ rồi đấy! Bà phù hộ cho nó làm được điều mà nhà ta luôn mơ ước nhé…
Tôi thấy nơi hốc mắt của chú có gì đó ươn ướt. Tôi cảm nhận được thoáng một chút buồn trên khuôn mặt hai đứa trẻ. Thật xót xa! Tôi nhìn sang thằng nhóc, cậu ta không phản ứng gì... Tôi tự nhủ, hai đứa còn quá nhỏ để hiểu được câu nói của cha nó. Hơn ai hết, lúc này tôi cảm nhận được sự cực nhọc và nhiều nỗi lo toan trong câu nói của chú…
Tôi giúp thằng nhỏ dọn dẹp. Chú đã ngà ngà say nên đi ngủ trước. Con bé thì chui vào bàn học để đọc truyện tranh tôi mang đến lúc chiều. Chỉ còn lại hai chị em tôi. Cậu ta với lấy cây đàn ghi ta, món quà duy nhất ba nó tặng khi nó đậu vào trường chuyên. Nó ôm cây đàn, ánh mắt lúc này không còn to tròn và trong xanh như lúc nó sút trái banh vào mặt tôi nữa. Ánh mắt ấy đã vướng chút buồn. Lúc đầu tôi hay trêu: “Mới xí tuổi đầu mà ôm đàn ghita chơi nhạc Trịnh, như ông già ấy!”. Năm tháng trôi qua tôi mới biết mẹ nó ngày xưa hát hay và rất yêu nhạc Trịnh…
“Nhóc đàn hay không chị?”. Thật ra tôi chỉ biết trong bản nhạc có chút gì đó nhớ, chút gì đó thương, chút gì đó buồn, tôi chả tập trung vào nó để mà biết có hay hay không. Tôi lơ đãng nhìn xa xăm về những ánh đèn còn sót lại của thành phố…
- Chị à… Thật ra nhóc hiểu câu nói lúc chiều của ba đấy!
Tôi giật mình trước câu nói của thằng nhóc.
- Thật ra nhóc hiểu… Bao năm qua ba vất vả lo cho tụi em ăn học. Nhiều lần nhóc muốn nghỉ học phụ ba. Nhưng những lúc như thế đều bị ba mắng cho một trận: “Khổ thế nào tao cũng lo được nên tụi bay cứ lo mà học giỏi cho tao nhờ!”. Mặt ba lúc đó đỏ ngầu, trông rất sợ. Thế mà đã bảy năm rồi…
- Nghe người ta bảo học đại học tốn nhiều tiền lắm phải không chị? Sáu năm tới nhóc đi xa, ba phải chăm út và lo cho nhóc nữa. Không biết ba sẽ như thế nào… Nhóc vào đó sẽ vừa học vừa làm, giống chị vậy nè!
- Sáu năm sẽ qua nhanh thôi! Nhóc sẽ là bác sĩ, nhóc sẽ không để ai phải mất người thân vì nghèo nữa đâu chị à…
Tôi nghẹn ứ nuốt từng câu nói của nhóc. Tôi đã từng nghĩ chắc không ai khổ bằng mình, giờ tôi mới biết cái khổ nó ở khắp nơi, quan trọng là chúng ta biết sống và loại bỏ nó như thế nào mà thôi. Ước mơ và niềm tin sẽ giúp thằng nhóc, cha cậu và cả tôi nữa vượt qua tất cả. Hy Vọng, cái tên gửi gắm bao hy vọng của ba mẹ vào nó, thằng nhóc ý thức được điều đó. Bốn năm qua, sống ở đây, nơi thành phố ngày một giàu có và phồn hoa này, từ một ngôi nhà nhỏ với ước mơ to ấy đã giúp tôi có một niềm tin mãnh liệt hơn vào số phận, vào cuộc sống… Hãy tin vào ước mơ của bản thân.
N.K.T