Hỗ trợ việc làm cho người dân tái định cư tại xã Nhơn Hội: Cần tiếp tục tuyên truyền cho người lao động
Hỗ trợ việc làm cho người dân tái định cư tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) là chủ trương của tỉnh nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tuy nhiên, nghịch lý là dù phần lớn người dân có việc làm không ổn định, nhưng, kết quả tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp tại đây lại khá ít ỏi.
Xã Nhơn Hội có 4 thôn: Hội Lợi, Hội Tân, Hội Thành và Nhơn Phước. Trong đó, 2 thôn Hội Thành và Nhơn Phước tập trung các hộ thuộc diện di dời để giải tỏa, bàn giao đất thành lập Khu kinh tế Nhơn Hội và Khu du lịch VinPearl Quy Nhơn (thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn). Theo khảo sát ban đầu, ở xã Nhơn Hội có 1.095 người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, chiếm 74% dân số địa phương.
Cần tuyển nhiều, đáp ứng chẳng bao nhiêu
Trên tinh thần của Đề án giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho người dân Khu tái định cư Nhơn Phước (đang chờ UBND tỉnh phê duyệt), từ tháng 9 đến nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động hỗ trợ việc làm tại xã Nhơn Hội.
Ngày 22.9, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định thực hiện tuyển sinh lao động trên địa bàn xã để mở lớp mây tre đan, nhằm giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Ngày 24.9, phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn tổ chức với hơn 500 vị trí việc làm trong nước cho lao động phổ thông, công nhân nghề và lao động có trình độ đại học, cao đẳng; tuyển 400 ứng viên xuất khẩu lao động sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Ngày 8.10, thông qua kênh của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Công ty TNHH Khải Vy tuyển 70 lao động, trong đó ưu tiên người dân của 2 thôn Hội Thành và Nhơn Phước.
Nhưng khác với sự vào cuộc đầy hào hứng của các đơn vị tuyển dụng, người lao động địa phương lại khá thờ ơ. Cụ thể, sau khi nhận được thông báo về hoạt động tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định, 32 người dân đã đăng ký tham gia lớp. Tuy nhiên, đến ngày khai giảng lớp, chỉ có 18 người tham gia và sau đó chỉ 4 người nhập học. Do không đủ điều kiện để mở lớp (tức là phải có khoảng 20 học viên), đơn vị dạy nghề đành phải đóng lớp chỉ sau vài ngày khai giảng.
Mặt khác, tại phiên giao dịch việc làm lưu động, 70 lượt lao động đã tham gia giao dịch, tư vấn; trong đó, 17 lao động đã được chủ doanh nghiệp sơ tuyển và tuyển dụng, 12 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động và 2 lao động đăng ký học nghề. Trước thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Khải Vy, chỉ có 3, 4 lao động đăng ký tham gia. Những con số tham gia học nghề, ứng tuyển vào các vị trí làm việc có vẻ ít ỏi so với số lao động chưa có việc làm trên địa bàn đã được thống kê trong khảo sát trước đó.
Do nhiều nguyên nhân
Trước nghịch lý này, vừa qua, UBND xã Nhơn Hội đã triển khai rà soát, tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này. “Nguyên nhân trước hết là các điều tra viên cấp thôn chưa phân biệt được giữa lao động chưa có việc làm và lao động có việc làm nhưng không ổn định. Điều này dẫn đến sự thiếu chính xác của con số hơn 1.000 người chưa có việc làm (theo thống kê trước đó). Kết quả của đợt kiểm tra lại tình hình việc làm của dân cư trên địa bàn vừa qua cho thấy 70% trong số này đã có việc làm nhưng chỉ mang tính thời vụ, không ổn định”, ông Trần Văn Khiêm, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết.
Hiện nay, lao động tái định cư tại xã Nhơn Hội đang tranh thủ cơ hội việc làm từ Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý. Một bộ phận người dân vẫn giữ công việc cũ là đánh bắt thủy hải sản. Xã còn có một nhóm gia công, đan lát sợi nhựa với quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động khuyết tật, phụ nữ chịu trách nhiệm trông coi nhà cửa. Một số doanh nghiệp đang triển khai thi công tại Khu kinh tế Nhơn Hội cũng góp phần tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương (nghề hàn, điện...).
Lý giải cho việc nhiều lao động từ chối học nghề và các cơ hội làm việc khác, lãnh đạo địa phương cho rằng: tâm lý ngại làm việc ở nơi xa nhà của người dân cũng là một trở ngại dẫn đến việc người lao động không hào hứng với hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp Phú Tài. Mặt khác, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước của người dân thuộc diện tái định cư vẫn còn.
Để “bài toán” giải quyết việc làm Khu tái định cư Nhơn Phước thật sự hiệu quả, địa phương cần tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, định hướng người dân. Mặt khác, các ban ngành liên quan cần bàn bạc và tìm kiếm giải pháp căn cơ; trong đó tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.
NGUYỄN MUỘI