Để giảm nghèo bền vững
Từ nhiều năm qua, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trên cả bình diện quốc gia và từng địa phương. Trong đó, bên cạnh việc xóa bỏ dạng nghèo cùng cực, thì giảm nghèo bền vững là yêu cầu có tính then chốt.
Hiện nay, khái niệm nghèo về thu nhập chỉ là một phần của khái niệm nghèo, và cái nghèo còn phải nhìn nhận đa chiều hơn, cụ thể là phải tính tới các chiều khác như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh và nhà ở… Bởi lẽ, nếu chỉ dựa vào thu nhập thì có một số đối tượng thu nhập vượt qua cả mức nghèo, nhưng họ lại chưa đủ lực để bảo đảm cho con cái đi học, đủ tiền khám, chữa bệnh khi ốm đau, hay các nhu cầu khác như tiếp cận thông tin, dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Do đó, xóa nghèo không chỉ đơn thuần là việc tăng thu nhập cho các hộ nghèo mà còn phải tăng mức độ thụ hưởng trong các dịch vụ xã hội khác thì mới đúng là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chính sách xóa nghèo phải làm sao để hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo không rơi xuống dưới ngưỡng nghèo đói.
Giai đoạn mới của chính sách giảm nghèo bền vững còn đặt ra phương thức mới xác định hộ nghèo, đánh giá, phân loại tình trạng nghèo, các yếu tố tác động đa chiều tới nghèo đói và mô hình quản lý thích hợp. Việc phân loại nghèo phải chính xác hơn - nhóm chính sách ưu tiên, nhóm chính sách có khả năng chuyển thành nhóm chính sách thường xuyên. Điều chỉnh chính sách, mục tiêu, phương thức vận hành giảm nghèo, Chính phủ sẽ giảm dần những chính sách hỗ trợ kiểu “cho không”, và các chính sách hỗ trợ phải gắn với một số điều kiện khác. Chẳng hạn, đối tượng hộ nghèo chỉ được hỗ trợ trong vòng 3 đến 5 năm, trong thời gian này nếu hộ nghèo không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo thì nhà nước sẽ dừng các chính sách hỗ trợ.
Hiện nay, chúng ta đang ở trong tháng cao điểm hành động vì người nghèo. Việc tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo, thực hiện xóa đói giảm nghèo là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng thì từng đối tượng nghèo cũng phải nỗ lực vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ và “không muốn thoát nghèo” để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước mãi. Nên nhớ người ta chỉ giúp ngặt chứ không ai giúp người “cứ muốn nghèo mãi”. Hãy nỗ lực vươn lên với sự giúp đỡ của cộng đồng chính là cách giảm nghèo bền vững và hiệu quả nhất.
Tại sao không?
HẢI ÐĂNG
vừa qua tôi có đi tập huấn để rà soát hộ nghèo năm 2016,theo tài liệu tập huấn tôi thấy có nhiều hộ rơi vào phần b1 dưới điểm qui định phải đưa vào hộ nghèo. Cụ thể như sau:hộ gia đình tách cha mẹ ở hộ khẩu riêng có độ tuổi trên 60 và trên 80,các con ở thành phố,ở gần nhà, đều làm ăn khá giả, giàu có để cha mẹ vậy hưởng chế độ hộ nghèo lợi dụng sự ưu đải của nhà nước, nhưng thực tế những hộ này mức sống ổn định, con cái vẩn lo ăn uống đầy đủ, tôi thấy những hộ này không thể đưa thoát nghèo cho năm tới vì không có cơ sở tính thu nhập, theo tôi nên áp dụng theo bộ luật dân sự điều 41 trang 24, luật hôn nhân và gia đình chương 4 điều 36 có nói rỏ con cái phải có trách nhiệm nuôi nấng cha mẹ, thậm chí có những hộ dựng nhà đơn sơ cho cha mẹ ở để chờ cơ hội nhà nước cho tiền hổ trợ xây dựng nhà. Những vấn đề trên đây có thể gây mất lòng ở địa phương nên tôi xin nhà báo có điều gì khác cho biết thành thật cám ơn.