Đi qua miền nhớ
Đi qua miền nhớ (Nxb Văn học, quý IV-2015) là tập thơ của Phan Hòa. Tác giả sinh năm 1965, quê ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Tập thơ là tiếng lòng của anh gởi về những miền nhớ anh đã đi qua, và đọng lại ở quê nhà: Quy Nhơn. Anh tâm sự: “Vâng, tôi chính là người con của vùng đất Quy Nhơn đã đi qua hơn nửa đời người trong “miền nhớ” mà vốn dĩ trong mỗi chúng ta ai cũng có một lần ngang qua”. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong tập thơ hơn 330 trang với gần 300 bài thơ được tập hợp, anh đã dành nhiều cảm tình của mình cho Quy Nhơn. Bài “Mời người về thăm Quy Nhơn” là một ví dụ: Hãy về thăm biển quê tôi/Quy Nhơn sóng vỗ, bọt sôi tràn bờ/Có người ôm những vần thơ/Nằm lưng chừng núi, hồn về bến trăng.
Và những miền đất khác anh đi qua cũng trở thành miền nhớ (Thả tình lơ lửng dòng Hương; Về thăm Quảng Ngãi…). Đi xa, nhớ về quê nhà, anh nhớ biển da diết trong nhiều bài thơ: Biển Đông ơi, những con sóng hiền hòa/Dào dạt mãi ru vào lòng đất mẹ/Nơi Trường Sa, Hoàng Sa nghìn năm vẫn thế/Những cánh hải âu bạt gió đi về… (Thư gởi Biển Đông). Trong tập thơ, có những bài anh viết về mẹ thật cảm động (Mẹ ơi; Tờ vé số của mẹ).
Đi qua miền nhớ chỉ là tiếng lòng của Phan Hòa, nhưng “có thể nói, thơ Phan Hòa đã góp phần làm rộn thêm hương vị và sắc màu mới cho cuộc sống đời thường”.
Khả Xuân