Xóm núi
* Truyện ngắn của DƯƠNG HẰNG
Ở cái xóm núi này, cứ dăm bảy ngôi nhà chụm lại thì phải đi chừng bốn trăm mét nữa, lại mới có vài ngôi nhà. Xóm núi heo hút và vắng lặng, đứng trên núi vào lúc trời tối thẳm nhìn xuống phía xa xa chỉ thấy lác đác những chỏm sáng mờ và sâu hút như rơi thỏm và nuốt chửng vào vùng tối bao la. Gọi là xóm núi bởi xung quanh một xóm nhỏ đều có ngọn núi chắn, có khi xóm nằm ngay chân núi. Núi ở đây là núi già, không cao lắm và sườn thoải, cây rừng trên núi đã sống lâu năm.
* * *
Những người quen Nam ở xóm núi này thường nhắc một điệp khúc: “Con gái xóm núi dịu dàng, thục nữ, có ai ngang bướng và đanh đá như cô Nam đâu?”. Nam cũng biết mình không sinh ra ở xóm núi. Nghe đâu khi chị Hiên lên sáu, bố mẹ đã gửi chị cho một người đàn bà gần năm chục tuổi, rồi bỏ xóm núi bẵng hai năm mới trở về. Nam cũng về trong chuyến ấy. Nam không còn nhớ về miền quê xa lắc xa lơ mà mình sinh ra nữa. Nam rời quê khi chưa tròn vành tiếng nói. Thi thoảng Nam vẫn thường hỏi mẹ về nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Miền quê được chắp vá từ những câu chuyện mẹ kể, Nam chẳng tài nào mường tượng nổi thành hình thành khối.
Chị Hiên là chị cả, mẹ vẫn thường bảo chị là “gái lỡ thì”. Hai bảy, hai tám tuổi chị vẫn chưa có một mối tình. Thực ra là Nam biết, chị ôm hình bóng chàng trai xóm bên từ bốn năm nay. Đó là chàng trai đã bỏ xóm núi về miền xuôi làm xây dựng. Chị Hiên đẹp, thùy mị và kín đáo. Mặt chị buồn lơ đãng như mây. Nam không gần gũi với chị, người ta đến chơi nhà vẫn thường so sánh Nam với chị, điểm gì cũng đối lập. Nam chẳng giống chị tẹo nào, chị giống bố nhiều hơn.
Mùa này ở xóm núi là mùa mưa tháng Sáu. Cánh hoa đồng tiền mỏng manh bị quật ngã dưới mưa khiến chị Hiên tiếc hùi hụi. Chị nhìn ra luống hoa đồng tiền, đôi mắt mông lung và sâu thẳm. Bố mẹ đã xuống phố huyện từ sáng, Nam ở nhà với chị. Chị Hiên ngồi ở bậu cửa tiếp tục tấm thêu còn dở đêm qua. Nam ngồi vân vê mái tóc, rồi quay sang hỏi chị:
- Nếu chị Hiên lấy chồng thì chị Hiên có còn ở xóm núi không? Hay muốn về xuôi?
- Chị cũng không biết nữa - Chị Hiên nghĩ ngợi một hồi, dừng tay thêu và tiếng thở dài như gió thoảng.
- Em chán cái xóm núi buồn tẻ này quá. Về xuôi nhiều thứ hay lắm chị ạ!
Rồi Nam kể về những ngôi nhà cao tầng có dãy ban công dài rộng treo lủng lẳng những chậu hoa đất tim tím, có siêu thị tha hồ mua sắm, có những cột đèn đường cao vút… Nam nói như đã từng sống ở một thành phố nào đó. Những gì Nam biết thực ra chỉ qua lời kể của đám bạn ra Hà Nội làm thuê. Những lúc như thế, Nam háo hức lắm, muốn rời bỏ nơi buồn tẻ này, muốn lao vào cái nhộn nhịp, sầm uất chốn thị thành.
- Biết đâu anh xóm bên lại sắp đón chị về miền xuôi sống cũng nên, nghe nói anh ấy đang ở thành phố rộng và đẹp lắm.
Chị Hiên giật mình, cây kim thêu trật mũi đâm vào ngón trỏ. Nam nhận ra mình vừa lỡ lời, để lộ cho chị Hiên biết rằng mình đã lén đọc trộm nhật ký của chị. Mắt chị Hiên đỏ hoe, hình như chị đang cố ngăn cho dòng nước mắt không chảy xuống. Chị Hiên không trách Nam một câu, thế mà nãy giờ Nam đã cố kiếm tìm ngàn vạn lý do bao biện. Mấy ngày sau thì Nam biết anh chàng kia đã cưới vợ và xây nhà ở dưới xuôi. Cuốn sổ nhật ký cũng biến mất. Nam nghĩ thầm, cũng may là chị không về miền xuôi cùng anh chàng ấy, nếu không Nam phải ở xóm núi này cả đời để phụng dưỡng bố mẹ. Bố mẹ Nam đã quyết định bám cây rừng và xóm núi này đến cuối đời.
Tin bà Xen trở về khiến chị Hiên vui lắm, người đàn bà đã làm mẹ của chị suốt hai năm bố mẹ Nam về miền xuôi. Từ hôm đó, ngày nào chị Hiên cũng qua bên đó. Bà Xen đã ngoài bảy mươi. Lần trở về này, bà mang theo cả đứa cháu ngoại mười lăm, mười sáu tuổi. Nam thở dài thườn thượt. “Lại thêm một cô gái tự nguyện chui vào cái xóm tù đọng này. Mình muốn thoát ra thì không nổi!”.
Cơn mưa chiều lại đổ, mát lành và trong veo ở khu xóm nhỏ. Chiều nay chị Hiên đi trồng cây với mẹ, Nam qua nhà bà Xen chơi. Bà Xen kể cho Nam nghe những câu chuyện về xóm núi hơn hai mươi năm về trước. Những người sinh ra ở xóm núi này, chẳng mấy ai bỏ quê hương mà đi. Xóm núi trở thành đất mẹ, thành máu thịt. Sinh ra đã là con của xóm núi, chết đi cũng xin làm ma của xóm núi.
- Bà Xen bao năm nay sống ở miền xuôi, sao giờ mới về xóm núi? - Nam thắc mắc.
- Tôi vì con vì cháu cả. Chúng nó làm gì chịu sống yên bình ở đây. Về xuôi tôi mệt lắm, không về nữa. - Giọng bà mệt nhọc cứ như quãng thời gian hai mươi năm ở miền xuôi đã bòn rút hết sức lực bà.
- Thế cô là con gái nhà bên kia à? Con ruột hay con nuôi nhà đó? - Bà Xen chỉ tay về hướng nhà Nam.
Nam sững sờ, hỏi lại bà Xen để chắc chắn mình không nghe nhầm. Con nuôi? Ai là con nuôi? Chị Hiên hay Nam? Nam đã gắng hỏi nhưng bà Xen chẳng còn nhận ra chị Hiên là ai nữa. Nam chạy một mạch về nhà, mắt cay xè và đôi vai run rẩy. Kịp thấy bóng chị Hiên đầu ngõ, Nam lao ra, đầu óc nhằng nhịt những câu hỏi.
- Chị là con nuôi của bố mẹ sao? Phải không?
Chị Hiên bấm ngón chân chặt dưới đất, vẻ mặt không mấy hoảng hốt. Sự im lặng của chị khiến Nam ngờ ngợ ra điều gì đó.
- Chị biết chuyện gì phải không? Chị nói đi!
- Không, là em!
Nam ngồi phịch xuống như ngã quỵ. Điều Nam ngờ ngợ trong đôi mắt chị Hiên là sự thật. Nam khóc không thành tiếng. Cái sự thật tất cả đã cố chôn vùi hơn hai mươi năm nay, cuối cùng đã lộ. Lòng Nam đau quay quắt. Chị Hiên ngồi xuống, vuốt mái tóc ra phía sau vai Nam.
- Mẹ em bỏ đi và gửi em lại cho bố mẹ. Em là em chị, là con của bố mẹ. Hai mấy năm trời chị vẫn thương em như em ruột. Đừng khóc em, chị thương! - Chị Hiên ôm lấy vai Nam vỗ về.
Lần đầu tiên Nam được ôm chặt và cảm nhận được yêu thương từ chị Hiên nhiều đến thế. Vậy mà bao lâu nay Nam ghen tị với chị, còn chị vẫn nhường nhịn Nam mặc cho Nam chỉ là con nuôi của bố mẹ. Nam nhận ra mình thật đáng trách, khi đã ao ước thoát khỏi cái xóm núi cưu mang và đùm bọc mình hai mấy năm trời. Nam đã từng căm ghét cái xóm núi buồn tẻ ấy. Và giờ, Nam tự nhủ nguyện làm con của xóm núi, ở lại nơi đây để trả nợ ân tình của xóm núi và ơn nặng của cha mẹ mình.
D.H