Bỏ sót người tham gia tố tụng, nhiều án bị hủy
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, trong số 64 vụ án dân sự sơ thẩm bị hủy trong năm 2012, có đến 30 vụ (47%) bị hủy với lý do cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ sót người tham gia tố tụng.
Đó là tòa sơ thẩm không đưa đầy đủ người kế thừa quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng; không đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 62, khoản 4 Điều 56 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đơn cử là vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là Nguyễn Thị Nguyệt và bị đơn là vợ chồng Nguyễn Bửu Minh Châu - Đàm Thị Kiều Oanh. Ngày 24.12.2010, chị Nguyệt có đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng Châu - Oanh trả nợ 1 tỉ đồng. Khi tòa sơ thẩm đang giải quyết vụ việc thì chị Nguyệt chết. Trường hợp này, tòa phải đưa chồng và 2 người con của chị Nguyệt (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất) với tư cách người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn; nhưng, tòa chỉ đưa một mình anh Ngọc tham gia tố tụng là đã bỏ sót người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp trong công tác giải quyết án dân sự, hôn nhân, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động năm 2012, được Viện KSND tỉnh tổ chức mới đây, đại biểu của 2 ngành Viện KSND và TAND tỉnh cùng nhận định có những vụ án bị hủy là do lỗi chủ quan của người tiến hành tố tụng. “Như ở huyện Tuy Phước, có một vụ án bị hủy đến 2 lần đều cùng một lỗi là tòa đã không mời kiểm sát viên tham gia. Việc này, lẽ ra tòa phải rút kinh nghiệm ngay từ lần bị hủy đầu tiên…” - một đại biểu ý kiến. Bà Hồ Tuấn Anh, Chánh Tòa Dân sự, TAND tỉnh cũng cho rằng, việc án sơ thẩm bị hủy cũng có trách nhiệm một phần từ kiểm sát viên khi thực hiện quyền kiểm sát xét xử.
Theo ông Phạm Trung Thuận, Quyền Trưởng phòng Phòng Điều tra, kiểm sát xét xử án dân sự phúc thẩm, Viện KSND tỉnh, để khắc phục tình trạng trên, trong 6 tháng đầu năm 2013, Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị; khuyến khích kiểm sát viên cấp huyện trao đổi nghiệp vụ với Phòng. Nhờ vậy, số lượng kháng nghị, kiến nghị tăng so với cùng kỳ năm 2012.
Cụ thể, Viện KSND cấp huyện đã ban hành được 17 kháng nghị phúc thẩm, trong đó có 7 vụ được tòa chấp nhận, đạt tỉ lệ 87,5% số kháng nghị đã xét xử. Về kháng nghị giám đốc thẩm có 1 vụ và đã được tòa xét xử, chấp nhận. Về kiến nghị, viện kiểm sát 2 cấp ban hành 12 kiến nghị về các vi phạm: không ghi nhận ý kiến của kiểm sát viên trong biên bản phiên tòa, vi phạm trong việc ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, phiên tòa… Tất cả các kiến nghị đều đã được tòa án chấp nhận khắc phục vi phạm.
NGUYỄN SƠN