TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 26.10, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Đại biểu Đặng Công Lý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng: Tòa án không được quyền từ chối giải quyết việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng.
Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 của dự thảo)
Tôi tán thành với quy định tại Khoản 2, Điều 4, Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự là Tòa án không được quyền từ chối giải quyết việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng mà việc giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật này. Tôi tán thành thống nhất như các đại biểu phát biểu trước.
Về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự (Điều 316, 317)
Tôi tán thành quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự từ Điều 316 đến Điều 317 của Dự thảo bộ luật với các lý do sau đây: Như chúng ta đã biết thủ tục giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được quy định rõ, bảo đảm đơn giản, nhanh gọn, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, tránh hình thức gây tốn kém cho họ cũng như kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.
Thực tế những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn như vụ án hợp đồng vay tài sản các bên đương sự thống nhất nợ chỉ không thống nhất với nhau về cách trả. Hai là vụ án ly hôn là các bên đương sự thống nhất ly hôn, con cái, tài sản nhưng có một bên yêu cầu tòa xét xử vắng mặt. Do vậy, những vụ án được lựa chọn để giải quyết theo thủ tục rút gọn phải bảo đảm được các điều kiện sau đây, tức là vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu chứng cứ đầy đủ, rõ ràng đầy đủ cơ sở giải quyết, Tòa án không phải thu thập tài liệu chứng cứ.
Sau khi thụ lý vụ án, nếu thẩm phán được phân công xét thấy vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì phải ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong quá trình giải quyết nếu xuất hiện tình tiết mới mà vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường như quy định tại Điều 317.
Riêng đối với trường hợp phát sinh yếu tố của người nước ngoài mà hai bên đã có đơn thống nhất ly hôn, con cái, tài sản, không có yêu cầu Tòa án giải quyết và xin xử vắng mặt thì tòa sẽ đưa vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, không cần theo thủ tục thông thường. Thực tế hiện nay trường hợp này rất nhiều, tòa đã đưa ra xét xử và mang tính hình thức thủ tục, vì đây là vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, đủ cơ sở để giải quyết, Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ. Do vậy tôi đề nghị trong trường hợp này cũng nên áp dụng về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự.
Về thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn (Điều 65 của dự thảo)
Tôi tán thành với quy định việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán thực hiện như quy định tại Điều 65 Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự, quy định này cũng phù hợp với Khoản 4, Điều 103, Hiến pháp 2013, tức là Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải (Điều 415, 416 của dự thảo)
Tôi tán thành với quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án tại Điều 414 vì đây là vấn đề cần thiết bảo đảm các bên đương sự thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình khi đã được hòa giải ở các tổ chức hòa giải ngoài Tòa án, bảo đảm hiệu quả hiệu lực của Tòa án. Thực tế, có nhiều vụ việc hòa giải thống nhất, nhưng sau đó họ thay đổi dẫn đến tranh chấp ra tòa, quy định như vậy sẽ đem lại hiệu quả, làm giảm bớt tranh chấp, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành cần đảm bảo các tiêu chí, đó là Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan tổ chức cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật, tiến hành hòa giải khi xem xét quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án. Tòa án nhân dân phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 416 của dự thảo.
Ngoài ra, các kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành như bản án quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
SỸ NGUYÊN (ghi)