Chủ động nguồn gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến:
Doanh nghiệp nên liên kết với người trồng rừng
Do thiếu nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, các doanh nghiệp (DN) đã và đang cạnh tranh trong khâu thu mua nguyên liệu, khiến cho giá gỗ rừng trồng biến động thất thường.
Nhiều năm trước, vào cuối vụ khai thác, giá gỗ rừng trồng giảm dần, nhưng năm nay lại khác. Đầu vụ giá gỗ rừng trồng chỉ ở mức 1,25 triệu đồng/tấn, càng về cuối, giá lại tăng dần và hiện được các DN thu mua với giá gần 1,4 triệu đồng/tấn, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Người dân xã Phước Thành (Tuy Phước) thu hoạch keo bán cho các doanh nghiệp.
Sở dĩ giá gỗ rừng nguyên liệu tăng cao là do sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến. Hiện trên địa bàn tỉnh có 19 nhà máy chế biến dăm gỗ với tổng công suất khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 50% nguyên liệu cho các nhà máy, dẫn đến có sự cạnh tranh quyết liệt trong mua gỗ nguyên liệu.
Công ty TNHH Sông Kôn là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác trồng rừng, nhưng sản lượng gỗ rừng trồng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của nhà máy. Ông Võ Vạn Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn, cho biết: “Nhà máy của chúng tôi có công suất 70.000 tấn gỗ/năm, nhưng phần nguyên liệu chúng tôi có thể chủ động chỉ chừng 30%. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã dồn sức thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng trong dân, nhưng vẫn không đủ để nhà máy chạy hết công suất”.
Một số DN sản xuất chế biến dăm gỗ trong tỉnh cho rằng, sở dĩ gỗ nguyên liệu khan hiếm, giá bán cao một phần là do có 1 DN của Trung Quốc đứng chân trên địa bàn xã Canh Hiệp (Vân Canh) đang đẩy mạnh thu mua gỗ rừng trồng về tự băm dăm và vận chuyển xuống cảng đưa về nước. DN này thu mua gỗ rừng trồng với số lượng lớn, giá mua có cao hơn, tạo cuộc cạnh tranh gay gắt. Trước tình hình trên, các DN trong tỉnh phải huy động lực lượng và tăng giá thu mua gỗ nguyên liệu, tạm thời đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động; bởi nếu không đáp ứng được các điều khoản đã ký kết với đối tác, hiệu quả kinh doanh sẽ giảm sút.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển lâm nghiệp (Sở NN&PTNT tỉnh), giá gỗ nguyên liệu giấy đang tăng cao là điều đáng mừng cho người trồng rừng. Song từ nhiều năm nay giá mặt hàng này không ổn định mà khá bấp bênh, lúc thấp, lúc cao tùy thuộc vào tình hình xuất - nhập khẩu dăm gỗ. Để đảm bảo nguyên liệu chế biến, giữa DN và người dân nên liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu. Cụ thể, các DN nên ký hợp đồng trực tiếp với các chủ rừng (là tổ chức hoặc cá nhân) để trồng rừng và chăm sóc rừng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa người trồng rừng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, hoặc các chủ rừng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế. Việc làm này sẽ tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến dăm gỗ, giảm bớt khó khăn cho các DN cũng như nâng cao giá trị thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng.
PHẠM TIẾN SỸ