Một tài năng âm nhạc khiếm thị
Đó là Nguyễn Văn Phước, sinh viên năm cuối chuyên ngành Đàn organ, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Bình Định. Nhiều người ví von rằng, cuộc đời nhọc nhằn của chàng trai khiếm thị và tiếng đàn cùng dìu nhau đi, nâng đỡ tiến lên phía trước.
Nguyễn Văn Phước (SN 1992) quê quán ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bị khiếm thị bẩm sinh do di truyền từ khi chào đời. Trong gia đình, Phước là bản sao của cha - ông Nguyễn Làm, người từng học Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), sau đó về dạy Văn hóa và Nhạc tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở TP Hồ Chí Minh (dành cho trẻ khiếm thị).
Nguyễn Văn Phước (ngoài cùng, bên phải) nhận giải Nhất tại Liên hoan Dân ca bài chòi năm 2015.
Năng khiếu âm nhạc hiếm có
4 tuổi, Phước đã theo cha vào Sài Gòn, học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Phước bị tối mắt nhưng được đền bù một trí nhớ, khả năng tiếp nhận và cảm thụ âm nhạc hiếm có. Nhạc lý, đặc biệt là cách thức sử dụng từng loại nhạc cụ mà ông Làm phải mất nhiều năm học ở trường cộng với quá trình hàng chục năm giảng dạy và mưu sinh đó đây bằng nghề nhạc công, vậy mà ở tuổi ăn tuổi chơi, Phước đã tiếp nhận được hầu hết. Phước kể về cha đầy tự hào: “Em còn thua cha nhiều lắm, ông chơi được 14 loại nhạc cụ truyền thống, em mới chỉ nhuần nhuyễn được 4 loại: nhị, tranh, bầu và organ…”.
Cậu bé mù đặc biệt yêu thích và có năng khiếu với nhạc cụ truyền thống, khi mới 5 tuổi đã chơi đàn bầu rất mùi. Năm 1997, được tuyển chọn vào đội văn nghệ của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu biểu diễn trong dịp hội nghị của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh tại Dinh Thống Nhất, Phước độc tấu đàn bầu bài “Ơn nghĩa sinh thành”, cảm động trước ngón đàn của cậu bé 5 tuổi, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã quyết định tài trợ mổ mắt cho Phước. Qua 2 lần phẫu thuật không thành công, Phước và gia đình đã gần như tuyệt vọng. Phải đến lần thứ 3 được mổ mắt năm Phước lên 9, thì may mắn khôn xiết mới đến khi cậu bé đã nhìn thấy khoảng 50%!.
Học hết cấp 2, Phước quay về quê nhà Quảng Ngãi. Đã quen với việc học bằng chữ nổi (chữ Braille), để học lên cấp 3, Phước phải mất 5 năm để ở nhà tự học “chữ sáng”. Rồi Phước đỗ vào Nhạc viện Huế, chuyên ngành Đàn bầu. Học được 1 năm, vì xa nhà, không có người hỗ trợ, Phước chuyển vào học tại Trường Trung học VHNT Bình Định.
Tìm thấy “miền đất hứa”
Theo định hướng của cha, Phước không tiếp tục học đàn bầu mà chuyển sang chuyên ngành organ ở Trường Trung học VHNT Bình Định. “Ba mẹ luôn canh cánh lo rồi mai đây thằng Phước sẽ sống ra sao, làm gì để tự nuôi thân… Ba hướng đi organ, vì thực tế, đàn organ rất phổ biến, đất sử dụng rộng, mình có thể dễ dàng kiếm việc khi chơi nhạc cho đám cưới, văn nghệ…, còn đam mê, sở trường của tôi vẫn là đàn bầu và các nhạc cụ truyền thống khác”, Phước giải thích.
Ở chuyên ngành mới là cây đàn organ, với óc sáng tạo của mình, Phước đã biến tấu để chơi được vọng cổ, cải lương trên cây đàn organ ! Như cái cách mà các nghệ sĩ cải lương Nam bộ ngày trước đã tạo ra cây đàn ghi ta phím lõm dựa trên sự biến cải cây ghi ta truyền thống của phương Tây. Tìm tòi, sáng tạo ra “hàng độc” làm thế mạnh riêng, các tiết mục của Phước vì vậy mới lạ và có nét riêng.
Mong muốn cả đời được gắn bó với âm nhạc, không chỉ là “liều thuốc tinh thần”, mà còn là đam mê, nghề nghiệp, từ nhỏ, Phước đã thường tham gia các sân chơi, hội thi về đàn, hát. Tính đến nay, thành tích của Phước cũng khá dày: năm 2002, Phước (khi ấy 10 tuổi) đã đoạt Huy chương Vàng (HCV) - tiết mục độc tấu đàn bầu “Dáng đứng Bến Tre” tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ngãi; HCV tiết mục vừa đệm đàn và hát, bài “Quảng Ngãi hát mãi về anh” tại Liên hoan Tiếng hát từ trái tim do Hội Người mù Việt Nam tổ chức năm 2006; HCB tiết mục độc tấu organ bản nhạc nổi tiếng “Czardas” tại Hội thi tài năng trẻ học sinh - sinh viên các trường VHNT, TDTT và du lịch toàn quốc năm 2015; giải Nhất tiết mục đàn hát bài “Bác ơi xin Bác yên nằm” tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ III, năm 2015…
Đến giờ này, cả bản thân lẫn gia đình Phước đều cảm thấy hài lòng, yên tâm khi nghĩ về ngày mai. Phước xúc động chia sẻ: “Ở Bình Định, tôi có được môi trường học tập tốt, thầy cô, bạn bè quan tâm, giúp đỡ, hơn thế là có điều kiện để làm nghề, kiếm sống và nuôi dưỡng, phát triển đam mê. Bình Định còn có trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật, có các đoàn nghệ thuật truyền thống. Từ nhỏ, tôi đã nuôi tâm nguyện sau này được dạy nhạc cho các trẻ khuyết tật và mơ được chơi trong các ban nhạc truyền thống chuyên nghiệp để học hỏi, phát triển năng khiếu của mình. Có lẽ tôi đã tìm thấy được “miền đất hứa” ở đây”.
SAO LY