Gìn giữ hát giao duyên của người Chăm H’roi
Trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, người Chăm H’roi ở huyện miền núi Vân Canh luôn coi hát giao duyên có ý nghĩa quan trọng. Hát giao duyên cũng chứa đựng những giá trị di sản phi vật thể cần được quan tâm bảo tồn.
Ngày nay, hát giao duyên của người Chăm H’roi thường diễn ra ở không gian văn hóa nhà rông, nơi tổ chức các lễ hội, đám cưới, sinh hoạt cộng đồng. Trên địa bàn huyện Vân Canh, xã Canh Hòa là nơi tập trung nhiều người còn nhớ và hát được các bài giao duyên cổ. Một trong số đó là ông Trần Văn Sang, người dân tộc Chăm H’roi ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa. Ông Sang (80 tuổi), là người am hiểu, hát hay nhiều bài giao duyên cổ theo 4 thể loại: H’ri, A’zăih, Soăh, A’Mon.
Hát giao duyên cần được quan tâm đưa vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người Chăm H’roi huyện Vân Canh.
Ông Trần Văn Sang cho biết: “Hát giao duyên của người Chăm H’roi thường là hát đối đáp giữa nam và nữ để gắn tình cảm yêu thương của các chàng trai cô gái với nhau dưới ánh trăng rằm, ở nhà rông hay trên nương rẫy… Hát giao duyên có sự kết hợp nhuần nhuyễn và có bài bản của bộ cồng, leănlep, ch’reu. Để lôi cuốn và gây được ấn tượng với người nghe thì đòi hỏi người biểu diễn phải trải qua quá trình luyện tập lâu dài, có chất giọng cao, lối hát rõ ràng, phong phú…”.
Cũng theo ông Sang phân tích, hát giao duyên của người Chăm H’roi tuy có quy định về những điệu thức cơ bản khác nhau, nhưng điều độc đáo ở đây là một lời bài hát và diễn tấu dài hay ngắn, hấp dẫn người nghe hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự tùy hứng ứng tác và khả năng biểu diễn âm nhạc của các nghệ nhân. Trong bất cứ giai điệu nào của hát giao duyên bao giờ người con trai cũng cất tiếng hát trước để mời gọi bạn đời hát theo. Mỗi giai điệu đều được quy định tiết tấu, tốc độ từ chậm vừa sang nhanh dần rồi thúc giục đến cao trào khi bài hát vừa dứt thì tiếng cồng và leănlep, ch’reu kéo dài hơn giai điệu rồi mới kết thúc.
Hiện nay, ông Sang còn lưu giữ được rất nhiều bài hát cổ như: Chàng chim Soan đi tìm nàng chim K’tie, Nàng chim K’tie hát ru con… đồng thời sáng tác thêm nhiều bài hát mới để biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. “Đánh mất đi một trong 4 thể loại hát giao duyên cổ đó là có tội với ông bà, tổ tiên. Tôi xem hát giao duyên như tài sản gia truyền và đã chỉ dạy lại cho các thế hệ con cháu. Giới trẻ hiện nay chạy theo âm nhạc hiện đại chứ ít quan tâm đến hát giao duyên, mong rằng Nhà nước cần quan tâm có kế hoạch bảo tồn…”, ông Sang tâm tình.
ĐÌNH DẶM