Hướng tới ngày Toàn dân sử dụng muối i-ốt 2.11:
Nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu i-ốt
Năm 2005, Chương trình Quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt Việt Nam đã công bố thanh toán tình trạng thiếu i-ốt trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, sau 10 năm, có nguy cơ tình trạng này tái diễn.
Sáng 27.10, đoàn cán bộ y tế của Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh có mặt tại Trường Tiểu học Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn). Đúng 8 giờ, từng học sinh được cân, đo, kiểm tra trực quan, siêu âm để phát hiện bướu cổ. Một số em được hướng dẫn cách lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm định lượng i-ốt niệu. Những em không mắc bệnh được phát thuốc bổ, cùng tờ rơi hướng dẫn cách dùng muối i-ốt để phòng bướu cổ cùng các rối loạn khác do thiếu i-ốt.
Bướu cổ gia tăng
Trong số 60 em được khám sàng lọc, có 4 em được phát hiện mắc bướu cổ; nặng nhất là Lê Minh Kiệt (lớp 3B), bị bướu cổ độ 1B, 3 em còn lại đều ở độ 1A - mức thấp nhất. Khi tôi hỏi ở nhà có hay dùng loại muối trên bao bì có chữ i-ốt không, bé Lê Thị Cẩm Tiên (học sinh lớp 5C, nhà ở thôn Quan Quang) lắc đầu. Mức bệnh nhẹ nhất, lại được phát hiện sớm, Tiên và các bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn trong điều trị, dĩ nhiên với điều kiện em phải được bổ sung ngay i-ốt trong từng bữa ăn.
Khám bướu cổ tại phòng khám của Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tứ, Trưởng phòng Chỉ đạo nội tiết (Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh), kê đơn cấp thuốc 1 tháng, đồng thời căn dặn các em phải nói cha mẹ đưa xuống Trung tâm tái khám khi hết thuốc. Danh sách này cũng được chuyển cho Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nhơn Khánh. “Chúng tôi sẽ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh theo dõi kỹ việc điều trị của các em”, Hiệu trưởng Đoàn Phan Bửu khẳng định.
Cùng với Nhơn Khánh, hoạt động tương tự đã được tổ chức tại 26 trường tiểu học khác ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và 8 huyện (Vân Canh, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát). Tỉ lệ có bệnh là 4,57% (74/1.620 học sinh được khám). Trong đó, cao nhất là Trường Tiểu học An Vinh (huyện An Lão), Trường Tiểu học Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) và Trường Tiểu học số 2 Cát Tài (huyện Phù Cát), cùng ở mức 8,33%.
Thật đáng lo ngại khi chúng ta so sánh con số 4,57% vừa được điều tra với kết quả khảo sát năm 2012 cũng do Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh thực hiện tại 30 trường tiểu học trong tỉnh. Khi ấy, có 220/5.604 học sinh được khám có bệnh, chiếm tỉ lệ 3,92%. Bệnh bướu cổ ở người lớn cũng có dấu hiệu gia tăng. 9 tháng đầu năm 2015, phòng khám của Trung tâm khám cho 10.445 bệnh nhân bướu cổ các loại, trong khi con số này trong cả năm 2013, 2014 chỉ trên dưới 10.000.
Phải cảnh giác!
Theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận, i-ốt là nguyên tố cơ bản để tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp, rất cần thiết cho sự phát triển của não và các bộ phận khác của cơ thể. Hậu quả của thiếu i-ốt rất nghiêm trọng, nhưng chúng không biểu hiện ngay trong một vài ngày mà diễn tiến âm thầm, làm chậm sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng của cơ thể.
Thiếu i-ốt sẽ gây ra một loạt các rối loạn trong cơ thể. Phụ nữ mang thai thiếu i-ốt nặng có thể dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non. Trẻ do các bà mẹ bị thiếu i-ốt sinh ra có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, điếc, câm, liệt hai chi dưới, lác mắt… Người lớn thiếu i-ốt thì bướu cổ, mệt mỏi, giảm trí nhớ...
Năm 2005, khi tình trạng thiếu i-ốt được công bố đã thanh toán, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên phạm vi toàn quốc đạt tới 93,2%; tỉ lệ bướu cổ trẻ em dưới 5 tuổi còn 3,6%. Từ năm 2006, Chương trình Quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt chấm dứt. Dù địa phương có bố trí một phần kinh phí để thực hiện các hoạt động phòng ngừa, nhưng tình hình mắc các bệnh do thiếu i-ốt trong cả nước và trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Bên cạnh gia tăng tỉ lệ mắc bệnh bướu cổ như đã nói ở trên, mức độ bao phủ dùng muối i-ốt tại hộ gia đình tại tỉnh ta cũng giảm, hiện chỉ còn khoảng 91%.
“Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ dẫn tới những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Sau khi có kết quả điều tra cụ thể, chúng tôi sẽ tham mưu với cấp trên để triển khai những giải pháp quyết liệt hơn, nhất là về nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hằng ngày”, bác sĩ Thuận cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG