Tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng nay 29.10.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, về kết cấu của dự thảo luật, bên cạnh một chương quy định riêng về vấn đề tín ngưỡng, dự thảo luật có khoảng 15 điều quy định chung cho cả vấn đề tín ngưỡng và vấn đề tôn giáo. Ông giải trình thêm: “Hiện nay, vấn đề tín ngưỡng rất đa dạng, phong phú, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm một số nội dung phù hợp liên đến quan vấn đề tín ngưỡng như trình tự, thủ tục bầu, cử người đại diện, ban quản lý; đăng ký hoạt động hằng năm của cơ sở tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng”.
Theo Tờ trình, Chính phủ đã tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc thực hiện các quy định nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, dự thảo luật đã làm rõ nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài và các phương thức bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó theo đúng tinh thần nhà nước “tôn trọng và bảo hộ”; hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung riêng, đặc thù dành cho đối tượng này.
Về quản lý nhà nước đối với tôn giáo, tiếp thu ý kiến ĐBQH và UBTVQH, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng chuyển từ cơ chế hành chính, ra lệnh sang cơ chế thuyết phục, nhưng đồng thời nói rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức của nhà nước là tạo điều kiện và giúp đỡ mọi hoạt động tôn giáo được diễn ra bình thường như các hoạt động xã hội khác.
Qua thẩm tra dự án luật, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban VHGDTNTNVNĐ) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là cùng với lĩnh vực tôn giáo, luật cần điều chỉnh cả lĩnh vực tín ngưỡng để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và định hướng các hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc.
“Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị luật chỉ điều chỉnh riêng lĩnh vực tôn giáo với hình thức, cơ cấu tổ chức và hoạt động đã rõ ràng, ổn định. Còn tín ngưỡng là một phạm trù thuộc về niềm tin, tâm linh của con người, khó có thể luật hóa được”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban nói thêm.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam như Dự thảo là chưa đầy đủ, một số nội dung còn chưa có quy định tương ứng về điều kiện và phương thức bảo đảm thực hiện; vấn đề tự do tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng của người nước ngoài chưa được điều chỉnh. Các quy định về hoạt động hợp tác quốc tế của tổ chức, cá nhân tôn giáo còn sơ sài; một số quy định còn thiếu các điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục… Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của luật.
Theo Anh Phương (SGGP)