Mầm non năng khiếu VHNT người dân tộc thiểu số: “Nhân tài như lá mùa thu”
Theo dõi nhiều năm qua, tại những sân chơi năng khiếu văn học nghệ thuật (VHNT) dành cho thiếu niên, nhi đồng ở quy mô cấp tỉnh, đều ít thấy sự xuất hiện, những thí sinh người dân tộc thiểu số (DTTS). Sự vắng bóng này diễn ra ở mọi lĩnh vực VHNT, từ thi kể chuyện, ca hát, vẽ, sáng tác văn học. Xin dẫn một ví dụ cụ thể: nhằm tìm kiếm mầm non văn học người DTTS trong tỉnh, trong các cuộc thi viết thư quốc tế UPU (ở cấp tỉnh) hàng năm, Ban tổ chức đều dành riêng một giải để trao cho đối tượng này. Điều đáng buồn là, ít nhất 4 năm liên tiếp gần đây, giải này vẫn chưa có chủ. Được biết, số lượng bài dự thi UPU của tác giả học sinh DTTS gửi tham gia rất ít, chất lượng kém, hầu như không qua được các vòng loại.
Câu chuyện thưa vắng mầm non, năng khiếu VHNT người DTTS trên các sân chơi mang tính bề nổi thiết nghĩ rất cần được quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có biện pháp khắc phục hoặc định hướng lâu dài. Sự thưa vắng này phải chăng phản ánh một thực tế là trong cộng đồng các DTTS trong tỉnh hiện nay, người có năng khiếu VHNT rất ít, đã già cỗi, không thấy xuất hiện nhân tố mới? Hay, năng khiếu VHNT vẫn dồi dào, tiềm tàng trong cộng đồng nhưng sinh hoạt, phát huy năng khiếu chủ yếu trong phạm vi địa phương, vì nhiều lý do, trở ngại mà ít tham gia các sân chơi, sự kiện ngoài địa phương nên ít được biết đến? Tìm hiểu điều này một cách thấu đáo là bước đầu quan trọng để đánh giá về thực trạng, nội lực, tiềm năng VHNT trẻ trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn, làm cơ sở cho công tác phát hiện, bồi dưỡng.
Một học sinh bộc lộ năng khiếu ở một lĩnh vực VHNT nào đó, không hẳn khi lớn lên sẽ hoạt động VHNT. Tuy vậy, có thể thấy rằng, nếu không có những hạt mầm tốt, những năng khiếu giỏi thì khó có thể hy vọng vào một đội ngũ sáng tác, hoạt động VHNT sẽ hình thành sau đó. Ở Hội VHNT tỉnh, ngoài hai chi hội VHNT các DTTS và văn nghệ dân gian, các chi hội chuyên ngành khác hầu như không có hội viên là người DTTS.
Chúng ta đều biết rằng, bản sắc văn hóa các DTTS, ai có thể bảo tồn, phát huy, nói lên tiếng nói, vẽ lên chân dung, diện mạo của từng dân tộc một cách tốt nhất, đúng và sâu sắc nhất bằng chính con người của dân tộc ấy. Tuy vậy, “sáng tác VHNT - tìm đâu ra tác giả người DTTS?” đang là câu hỏi không chỉ có ở Bình Định mà “nóng” ngay cả khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Riêng với tỉnh ta, điều này phần nào bắt nguồn từ sự vắng bóng mầm non, năng khiếu diễn ra từ nhiều năm nay?
KHẢI THƯ