Hội LHPN xã Cát Nhơn: Đồng hành với hội viên trong việc làm
Ở xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát), nhiều phụ nữ thường tranh thủ lúc nông nhàn lên các tỉnh Tây Nguyên và vào miền Nam mua bán nhỏ kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Vì thế, việc vận động chị em tham gia các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, vì mẹ đi làm xa, con cái ở nhà thiếu sự quản lý, giáo dục và chăm sóc nên có nhiều em lơ là trong học tập, cá biệt có một số trường hợp bỏ học ăn chơi lêu lổng. Từ thực tế trên, Hội Phụ nữ xã Cát Nhơn xác định, để đồng hành cùng 1.320 hội viên và phụ nữ địa phương, Hội phải tạo điều kiện giúp chị em có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, phát triển kinh tế ngay tại địa phương.
Từ đó, ngoài việc phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định mở lớp dạy nghề may công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho hơn 40 phụ nữ của xã tại các công ty và cơ sở may ở các xã lân cận; từ tháng 8.2013, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Công ty Hoàng Gia (CCN Cát Nhơn), chuyên sản xuất đồ nội thất bằng mây, mở các lớp dạy nghề đan mây cho chị em. Sau khi học nghề xong, Hội hợp đồng với Công ty mở 13 điểm nhận đan các sản phẩm bàn, ghế, giường... cho Công ty, trải khắp ở 9 thôn trong xã. Mỗi điểm có 15 - 30 chị em tham gia, những chị đã được học nghề tại công ty hướng dẫn lại cho các chị em khác. Nhờ đó, Hội đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 hội viên (trong đó có 15 phụ nữ khuyết tật) với mức thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có người thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.
Trước đây, sau mỗi mùa vụ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Liên Trì) thường thay phiên nhau vào các tỉnh miền Nam mua bán ve chai, vài tháng mới về một lần, tuy có thu nhập nhưng không ổn định. Từ khi Hội Phụ nữ xã hợp đồng với Công ty Hoàng Gia mở lớp học đan mây, chị Thúy xung phong tham gia, sau đó đứng ra nhận mở điểm đan tại nhà để nhận hàng về cho các chị em xung quanh cùng làm. Nhờ vậy, chị có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, đồng thời có điều kiện chăm sóc cho gia đình. Các con của chị đều chăm ngoan, học giỏi và hiện con gái đầu của chị đang là sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Y Huế.
Bà Thái Thị Mỹ Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Nhơn, cho biết: “Từ khi các tổ mây đan được thành lập, nhiều chị em không phải đi làm ăn xa nữa mà có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương, có điều kiện chăm sóc gia đình tốt hơn. Bên cạnh đó, thông qua các tổ, các điểm đan mây này, Hội Phụ nữ xã cũng có điều kiện tuyên truyền, vận động chị em tham gia vào các hoạt động, phong trào do Hội phát động như: chấp hành pháp luật, chính sách dân số, nuôi “heo đất tình nghĩa” giúp phụ nữ nghèo, “làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Ngoài ra, tại đây chị em còn được gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, có điều kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.
Bà Sương cho biết thêm, thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Công ty Hoàng Gia mở thêm nhiều điểm đan mây ở các thôn trong xã nhằm tạo việc làm tại chỗ cho hội viên lúc nông nhàn, hạn chế việc phụ nữ đi làm ăn xa nhà. Chị em có công việc ổn định, tăng thu nhập thì sẽ có điều kiện chăm sóc gia đình tốt hơn và góp phần xây dựng tổ chức Hội địa phương ngày càng vững mạnh.
TRƯỜNG GIANG