TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)
Ngày 30.10.2015, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đã phát biểu một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Bộ luật này.
1. Điểm a, khoản 1 điều 235 quy định trường hợp vi phạm là “Xả từ 3.000m3/ngày đến 5.000m3/ngày nước thải có thông số môi trường không nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với tất cả các tổ chức sản xuất”. Để đánh giá một tổ chức sản xuất kinh doanh có gây ô nhiễm môi trường đến mức xử lý hình sự thì chúng ta nên căn cứ vào việc chấp hành pháp luật về môi trường của tổ chức đó dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải.
Quy định dung tích xả thải sẽ bị xử lý hình sự không phân biệt quy mô sản xuất là chưa phù hợp trong thực tế. Vì vậy, tôi đề nghị điều 235 viết lại theo hướng là quy định mức độ vi phạm có căn cứ vào dung lượng xả thải được cấp phép có tính đến quy mô từng tổ chức sản xuất để làm cơ sở định tội.
2. Tại khoản 1 điều 316 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có quy định người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng chất cấm, hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc… thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d của khoản này. Việc quy định rõ phải thấy được tổn hại về sức khỏe thì mới xử lý hình sự sẽ rất khó trong việc phòng ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Để bảo vệ sức khỏe người dân, tôi đề nghị bổ sung một điểm riêng trong khoản này, quy định người nào sử dụng chất cực độc, chất để lại hậu quả di truyền trong chế biến thực phẩm thì dù chưa có hậu quả rất nghiêm trọng xảy ra vẫn bị xử lý hình sự theo khoản 1 điều này.
- Tại khoản 1, điều 261 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ có liệt kê các hành vi vi phạm pháp luật gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đồng đến 100 triệu đồng đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên trong phần liệt kê không có nêu cụ thể hành vi ném đá vào các phương tiện giao thông xe; tháo trộm ốc của các cây cầu quan trọng, lan can bảo vệ đường cao tốc; và việc xử lý hình sự đối với các hành động cản trở giao thông đường bộ chỉ áp dụng khi đã có các tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra.
Những hành vi trên có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện việc phòng hơn là chống, đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, tôi đề nghị khoản 1, điều 261 cần quy định thêm là các hành vi rải đinh trên đường lộ, ném đá vào phương tiện đang lưu thông, tháo trộm ốc của các cây cầu quan trọng, lan can bảo vệ đường cao tốc sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hình sự dù chưa có hậu quả rất nghiêm trọng xảy ra.
3. Để hạn chế người chưa thành niên phạm tội do bị người thành niên xúi dục, tôi đề nghị luật cần quy định lại: Việc xúi giục người chưa thành niên phạm tội sẽ là tình tiết để áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. Nếu xúi dục nhiều người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không còn là một tình tiết để tăng nặng trách nhiệm hình sự mà là tình tiết để chuyển khung hình phạt.
Việc giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên là rất cần thiết để hạn chế các em phạm tội. Tôi đề nghị cơ quan cấp thẻ căn cước công dân đề xuất quy định người được cấp thẻ lần đầu phải học và vượt qua được bài kiểm tra kiến thức pháp luật cơ bản về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
NGUYỄN VĂN CẢNH