Thay đổi chính mình...
Cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhiều người bỗng gặp sóng gió bởi căn bệnh ung thư. Thay vì tuyệt vọng, nhiều người chấp nhận thực tại, tự xây dựng niềm tin cho mình để sống không vô ích, thậm chí không bị bệnh tật quật ngã, dù chỉ là còn chút hy vọng.
1.
Trong chuyến đi khám bệnh cùng cơ quan ở TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Châu, 45 tuổi, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn phát hiện bị ung thư ruột. Nghĩ tới hai đứa con còn nhỏ sẽ mồ côi, tim chị như vỡ ra, tuyệt vọng. Chỉ vài ngày, chị suy sụp hẳn, sút gần 5 kg, da trắng bệch.
Thấy vậy, người em trai ở TP Hồ Chí Minh đã đưa chị đi gặp những người cùng hoàn cảnh đã chữa lành bệnh. Nhìn họ, chị có chút niềm tin, hy vọng và thay đổi suy nghĩ: Dù có nhận “án tử” thì ít ra cũng để chồng con và người thân không phải khổ sở, đau lòng khi chứng kiến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Sau 7 tháng điều trị các đợt hóa trị, dù tóc rụng, cơ thể xanh xao, mệt mỏi, khó thở nhưng trong chị đầy niềm tin. Chị tập yoga ở nhà người quen dành cho người cùng cảnh ngộ ở TP Hồ Chí Minh. Được tập luyện, sức khỏe tăng cường, lại trao đổi thông tin với những người bị ung thư, chị càng có niềm tin chiến đấu với bệnh tật.
Chị Châu tâm sự: “Sau thời gian điều trị, tôi chỉ tái khám theo lịch, ăn uống, bồi dưỡng theo chỉ dẫn bác sĩ. Về nhà, việc tôi đi làm ngay là sắm cho mình bộ tóc giả. Thời gian này, tôi cũng để ý trau chuốt vẻ bề ngoài của mình còn nhiều hơn trước. Tôi làm việc nhà, chăm sóc các con như trước, rồi trồng cây, trồng hoa trong vườn để cuộc sống thêm thi vị. Tôi nghĩ đơn giản, nếu phát hiện sớm, hợp tác với bác sĩ để chữa trị thì ung thư không quá đáng sợ. Tinh thần là liều thuốc quý nhất, kết hợp với ăn uống khoa học, thể dục đều đặn, làm việc phù hợp thì sẽ thoát “án tử”.
2.
Bất hạnh hơn chị Châu rất nhiều, năm 47 tuổi, chị Lê Kim, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn mắc bệnh ung thư vú, phải cắt bỏ ngực và điều trị ròng rã hơn 2 năm. Số tiền dành dụm bao nhiêu năm của vợ chồng chị gần như rót hết vào việc chữa bệnh cho chị. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy thì chồng chị lại bỏ nhà vào TP Quy Nhơn lái xe tải sống công khai với bồ mới. Chị Kim suy sụp hoàn toàn, chỉ nằm trên giường trách số phận nghiệt ngã, trách người chồng bội bạc…
“Nếu không thay đổi được hoàn cảnh, hãy thay đổi chính bản thân bạn”, câu triết lý bỏ túi của nhiều người đúng với chị Kim trong hoàn cảnh này. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, chị bừng tỉnh. Chị nghĩ về đứa con gái lớn mới cưới chồng đã chịu nhiều điều tiếng vì ba, giờ phải lo mất mẹ, con gái nhỏ vừa học vừa vất vả chăm sóc mẹ, trong khi người đáng trách là chồng chị thì anh ta không hay biết gì. Nghĩ mình không thể là gánh nặng cho các con, chị Kim thay đổi dần. Chị chịu khó uống thuốc, tái khám, kiên trì dùng gạo lứt, muối mè..., từ đó cơ thể chị phục hồi.
Vừa khỏe lên, chị Kim nuôi heo, gà, trồng rau, trồng keo, mở rộng khu vườn thành trang trại khép kín vừa là công việc, nguồn thu nhập, đây còn là nơi tạo ra niềm vui cho chị. 8 năm trôi qua, chị không chỉ khỏe mạnh, nuôi con học đại học mà còn tích góp xây nhà khang trang. Chị sống vui vẻ cùng nhóm bạn hay đi làm từ thiện ở thị trấn. Gặp chị hỏi thăm, chị cười bảo: “Cứ sống lạc quan, đừng nghĩ đến cái chết mà hãy làm nhiều việc hơn cho người thân thì sẽ giảm buồn chán, bi quan, từ đó có thêm động lực và năng lượng để sống, vượt qua bệnh tật”.
3.
Dù bệnh nan y đã lùi vào quá khứ nhưng bây giờ chị Châu, chị Kim vẫn giữ thói quen tập thể dục. Mỗi ngày, họ đều dành một khoảng thời gian nhất định để rèn luyện nâng cao sức khỏe. Họ cố gắng giữ cho mình tâm thế thoải mái vui vẻ, lạc quan, hài lòng với cuộc sống hiện tại. Cuộc đời chỉ thay đổi khi thái độ sống thay đổi là vậy.
Tôi vẫn nhớ mãi cuốn sách “Bài giảng cuối cùng” của Giáo sư Randy Pausch (bộ môn Khoa học máy tính, Tương tác người - máy và bộ môn Thiết kế, Trường ĐH Carnegie Mellon, Mỹ). Cuộc sống của giáo sư hạnh phúc cùng vợ và ba đứa con, đột ngột rẽ sang một hướng khác khi ông phát hiện mình có 10 khối u trong gan và mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Ông đã thực hiện “Bài giảng cuối cùng” của mình vào ngày 18.9.2007 trước hơn 400 khán giả tại Trường ĐH Carnegie Mellon, và video clip về bài giảng này nhanh chóng được lan truyền trên Youtube, thu hút hơn 10 triệu lượt truy cập. Điều đặc biệt là, thay vì nói về cái chết, Giáo sư Randy Pausch đã quyết định nói về sự sống: một sự sống đầy ắp những ước mơ, niềm tin, sự hứng khởi và tình yêu mãnh liệt của một người thật sự đam mê, thật sự quý trọng trong cuộc đời.
Người ta nói, con người hoàn toàn có thể làm chủ thái độ sống của mình theo hướng mình mong muốn và ai cũng có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi thái độ sống. Nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein khẳng định: “Cuộc sống của bạn là một chuỗi kết quả của những gì bạn lựa chọn. Đời người có hai cách để sống: theo cách này, chẳng có điều gì kỳ diệu xảy ra; còn với cách kia, mọi thứ trên đời đều kỳ diệu”.
CÔNG HIẾU