“Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”
“Anh em nào phải người xa/Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân/Anh em như thể tay chân/Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”. Những ngày đầu cắp sách đến trường, ắt hẳn ai cũng từng thuộc nằm lòng câu ca ấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ trải nghiệm để thấu hiểu hết căn nguyên của lối ví von đầy hình tượng của người xưa.
Tôi gặp Nguyễn Ngọc Tiến (học lớp 2D, Trường Tiểu học Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) tại buổi trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vươn lên học giỏi do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức sáng 28.8. Ban đầu, ấn tượng bởi đôi mắt to tròn và làn da ngăm đen chắc khỏe của người xứ biển, sau đó là hoàn cảnh quá đỗi nghiệt ngã: 3 anh em Tiến mất cả cha lẫn mẹ.
Ba mẹ không còn, hai anh trai đi học, đi làm xa, Tiến phải học dần tính tự lập.
- Trong ảnh: Nguyễn Ngọc Tiến (học lớp 2D, Trường Tiểu học Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) nấu cơm.
Oằn vai
Đã quá nửa tháng 9 Âm lịch mà nắng vẫn hừng hực. Tôi lại theo chân Trưởng thôn Lý Hưng Nguyễn Văn Tiến đến nhà cậu bé đúng lúc trời đứng nắng. Căn nhà cũ nằm ngay đầu con đường nhỏ dẫn vào thôn. Ngoài phòng khách, nhà còn 2 phòng khác, 1 phòng trống trải đặt 2 bàn thờ cạnh nhau.
Năm 2011, ba Tiến qua đời sau một tai nạn giao thông. Lúc này, mẹ Tiến đang mổ mắt ở Quy Nhơn. Trong người chỉ còn một quả thận, sức khỏe yếu nên phải ra vào viện thường xuyên, con trai phải theo chăm sóc. Một năm sau, đau buồn trước sự ra đi bất ngờ của chồng, cộng với mặc cảm bệnh tật khiến người mẹ cùng quẫn, lẳng lặng tìm đến cái chết. Để lại 3 con trai, cùng khoản nợ nần vay mượn cho 2 con trai lớn đi học.
Lúc này, Nguyễn Xuân Tường chuẩn bị tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Sài Gòn, Nguyễn Xuân Tình vừa bước vào hệ cao đẳng ngành Cơ khí của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. “Thằng Tình nằng nặc đòi nghỉ học ở nhà kiếm gì làm rồi trông em. Bà con, hàng xóm xúm vào bàn ra, rồi cử dì Ba nó xuống ở hẳn với thằng Tiến và bà ngoại, để hai thằng anh lo học hành cho xong. Với lại, thằng Tường cũng quyết không cho em bỏ ngang”, ông Bùi Văn Sanh - cậu Sáu của 3 anh em Tiến kể lại.
Dì Ba Bùi Thị Sương năm nay 66 tuổi, không chồng không con nên chẳng ngại dọn đến ở hẳn. Bà ngoại Phùng Thị Kỷ năm nay 86 tuổi, đã lẫn nặng, trông giữ thêm phần cực nhọc. Yên tâm có người ở cùng thằng út, Tường trở lại trường, hoàn tất chương trình học. Sau một thời gian làm đủ việc, đầu năm 2014, chàng trai trẻ được nhận vào làm nhân viên kinh doanh của Công ty Tôn Hoa Sen, chi nhánh ở Pleiku (Gia Lai). Và, bắt đầu hành trình làm việc kiếm tiền nuôi hai em ăn học.
Ngoài khoản tiền anh gửi cho hằng tháng, Tình còn đi làm thêm, tự lo cho cuộc sống của mình ở thành phố. Còn Tiến thì quá nhỏ, nên cứ 1-2 tháng, Tường lại tranh thủ cắt phép về thăm em, trông nom nhang đèn, cúng giỗ. “Thấy Tường làm việc vất vả ở xa, tui nói cứ yên tâm có dì coi thằng Tiến rồi, cháu đừng về nhiều, vừa mệt vừa tốn kém, vậy mà nó bảo không yên tâm”, bà Sương phân bua.
“Nuôi em thì có gì để kể”
Tường mở đầu câu chuyện với tôi như thế. Em bảo, ba mẹ mất hết rồi, là anh cả trong nhà, phải lo cho em là điều đương nhiên. “Căng thẳng nhất là quãng thời gian mẹ mới mất, vừa lẩn quẩn tâm trí khi tang ba chưa hết đã tới tang mẹ, vừa lo lắng với gánh nặng nợ nần. Vậy mà cũng qua rồi anh à. Chờ thằng Tình ra trường, em lo cho nó chỗ làm, rồi khoản vay sinh viên nếu không được ưu ái gì thì anh em cùng lo trả. Rồi lo cho thằng út, nó còn nhỏ quá mà. Giờ có việc làm, chứ không thì bốc vác hay phụ hồ kiếm tiền nuôi em, em thấy cũng bình thường thôi”, Tường nói, nghe nhẹ tênh.
Năm nay Tường 26 tuổi. Hỏi chuyện tình cảm riêng, em bảo còn sớm quá. Tháng 11 sang năm mới mãn tang mẹ. Huống hồ, em còn lo cho Tiến học hành, nên chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng tư.
Cũng phải nói thêm rằng, để vượt qua được những tháng ngày khó khăn, anh em Tường cũng nhận được sự quan tâm đùm bọc của nhiều người. Bà Sương chỉ cái tủ lạnh cũ nơi góc nhà, bảo do đứa cháu kêu bằng cô mới cho. Ngoài nhiều khoản học bổng, Tiến còn được Đoàn thanh niên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn nhận đỡ đầu.
“Từ hồi ba mẹ còn sống, cả 3 anh em nó đều hiền, ngoan, lễ phép, ai cũng thương. Giờ, thấy tụi nó chịu khó làm lụng, đùm bọc nhau mà sống thì càng quý hơn”, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ. Trước khi ra về, tôi còn kịp nhìn thấy ông trưởng thôn dúi vào tay cậu bé hai chục ngàn, xoa đầu bảo tóc dài rồi, chiều đi cắt tóc nghe cu…
NGUYỄN VĂN TRANG