Ðừng… “nghèo nhân phẩm”!?
Truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ lâu đã trở thành một đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Phát huy tinh thần quý báu đó, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta, thông qua các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, luôn quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, đã tạo ra những đòn bẩy chính sách tích cực giúp rất nhiều hộ tự thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Sự hỗ trợ người nghèo không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà còn là động lực giúp họ có thêm nghị lực, có thêm niềm tin vào chính mình để vươn lên trong cuộc sống.
Theo chính sách hiện hành, “hộ nghèo” được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi, như: tiền điện thắp sáng, mua cây giống, mua bảo hiểm y tế, học phí, hỗ trợ tiền vay vốn của ngân hàng chính sách lãi suất thấp, hỗ trợ nhà ở và một số nguồn hỗ trợ khác từ cộng đồng. Theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, hàng năm ngân sách chi khoảng 30.000 - 40.000 tỉ đồng cho lĩnh vực giảm nghèo. Kết quả thu được là 43 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói trong 15 năm qua.
Người Việt ta có câu “giúp ngặt chứ không giúp nghèo”. Vì vậy, trong cuộc sống của mỗi người, ai ai cũng mong muốn và cố gắng hết sức mình để thoát khỏi cảnh nghèo, vì nghèo hèn thì làm sao có thể “ngẩng mặt với đời”. Tuy nhiên, hiện nay đang có rất nhiều người lại mong muốn mình được “nghèo”, thậm chí tìm mọi cách để được công nhận là hộ nghèo.
Chuyện tưởng như nghịch lý đó đã và đang diễn ra không phải là cá biệt có một phần bởi chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo mà chúng ta đang thực hiện mang tính “cho không” quá nhiều, khiến cho không ít người dân mang nặng tư tưởng ỷ lại và… không muốn thoát nghèo. Bên cạnh nhiều trường hợp được hỗ trợ thoát nghèo và trả lại “sổ hộ nghèo” vẫn còn có không ít trường hợp “thích” làm hộ nghèo để tiếp tục “ăn bám chính sách”.
Điều cần phải thấy là chính sách ưu đãi của nhà nước hay sự hỗ trợ của cộng đồng cho người nghèo luôn luôn có giới hạn. Vì vậy, việc đưa các hỗ trợ đến đúng địa chỉ là vô cùng quan trọng và thực sự có ý nghĩa. Một khi trao “nhầm” một địa chỉ, đến không đúng các đối tượng thì cũng đồng nghĩa đã tước đi cơ hội của người thực sự cần nó.
Chính vì vậy đã đến lúc các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở, cần cẩn trọng và sát sao hơn trong công tác xác định đối tượng hộ nghèo, tránh bỏ sót đối tượng nghèo, kiên quyết loại bỏ trường hợp “cố tình nghèo” để hưởng lợi bất chính. Quan trọng hơn là mỗi người nghèo cần tự ý thức rằng nghèo không hẳn là một sự tủi hổ nhưng cũng không bao giờ là một “vinh dự” để nuôi dưỡng ý chí tự vươn lên trong cuộc sống. Cần xác định sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng chỉ là “đòn bẩy”, là “cú hích” còn tự mình phải biết vươn lên xây dựng cuộc sống của chính mình. Có làm được như vậy thì chính sách xóa đói giảm nghèo mới thực sự hiệu quả, thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Vì vậy, mỗi người nghèo, hộ nghèo hãy tin ở chính mình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Nếu chỉ chăm chăm “thích nghèo” mãi mãi cũng chỉ là kẻ “nghèo nhân phẩm” mà thôi!
H.Ð