Sao phải vội đến vậy?
Buổi chiều, nhân viên gác tàu tại ngã năm Đống Đa túc trực để kéo rào chắn khi có tàu lửa ra, vào Ga Quy Nhơn. Nhưng, một số người vẫn cố gắng lách qua thanh chắn vượt lên, bất chấp nguy hiểm. Nhiều cậu học trò đi xe đạp điện thản nhiên luồn qua thanh chắn đang được người gác tàu hạ dần xuống, rồi chạy băng qua đường ray. Vài người chở hàng hóa cồng kềnh cũng tìm cách lách nhanh qua hàng rào chắn trong lúc người gác đường ray chưa kịp kéo qua hết. Sự liều lĩnh của một số người này có thể dẫn đến không ít tai họa cho bản thân nhưng hình như mọi người phớt lờ. Tất cả chỉ quan tâm đến việc mình đang trễ đi vài phút và nỗ lực bằng mọi cách để khỏi phải chịu cảnh đứng chờ đoàn tàu qua hết. Sao phải vội đến vậy?
Tương tự, cũng tại ngã năm Đống Đa, đã hàng chục lần, chúng tôi bắt gặp nhiều người nhẫn nại chờ hơn 50 giây đèn đỏ, nhưng lại mất kiên nhẫn ở khoảng 5 giây cuối cùng. Không đợi đến lúc đèn xanh, họ rồ ga và lao vụt đi khi chỉ còn không quá 3, 4 giây nữa là hết đèn đỏ. Và ở bên kia, nhiều người khác cũng đang tận dụng 3 giây của đèn vàng để vượt ra khỏi nút giao thông này. Không ít cuộc va chạm mức độ từ nhẹ đến nặng đã xảy ra chỉ vì vài giây ngắn ngủi ấy. Sao phải vội đến vậy?
Người ta vẫn truyền nhau rằng: “để biết giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa trễ mất chuyến bay; để biết giá trị của một giây, hãy hỏi người vừa thoát tai nạn trong gang tấc”. Thời gian là vô cùng quý giá, nhưng đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đôi khi nhanh vài giây là mất cả một đời. Vậy, sao ta phải vội ?
HÀ THANH