Cán bộ Trạm Thú y Vân Canh tự ý thu phí tiêu độc, khử trùng
Hơn một tháng qua, đã có đến hàng ngàn chủ phương tiện ô tô phải nộp phí tiêu độc khử trùng (TĐKT) khi đi qua chốt kiểm dịch động vật tạm thời đặt trên tuyến quốc lộ 19C đoạn qua địa phận làng Canh Phước, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh. Điều đáng nói, việc thu phí này chưa được sự cho phép của UBND tỉnh cũng như Sở NN&PTNT.
Thu phí để “bồi dưỡng anh, em… làm việc”!
Chốt kiểm dịch động vật kể trên được thành lập từ ngày 19.9.2015, khi dịch lở mồm long móng xuất hiện ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) - địa phương giáp ranh với xã Canh Hòa. Từ đó đến nay, mỗi lượt xe tải, xe ô tô lưu thông qua khu vực này, chủ phương tiện phải đóng 30.000 đồng phí TĐKT.
“Trung bình mỗi ngày, tôi điều khiển xe lưu thông qua chốt kiểm dịch động vật huyện Vân Canh 4-5 lượt. Mỗi lần như vậy, tôi đều phải nộp 30.000 đồng phí TĐKT… Tôi thấy khoản thu này có gì dó không rõ ràng” - anh Phạm Xuân Đài, tài xế ô tô tải BKS 77C-05940, bức xúc nói.
Theo tìm hiểu PV Báo Bình Định, bình quân một ngày có khoảng 60-70 lượt xe qua lại khu vực chốt kiểm dịch động vật huyện Vân Canh. Với mức phí 30.000 đồng/lượt, số tiền thu được mỗi ngày tại chốt kiểm dịch này không nhỏ.
Tại sao có chuyện thu phí TĐKT khi chưa có sự đồng ý của ngành chức năng, ông Nguyễn Văn Hà, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Vân Canh, lý giải: “Tiền thu phí ở đây chỉ để bồi dưỡng lại cho anh, em (cán bộ làm công tác TĐKT tại chốt kiểm dịch động vật huyện Vân Canh - PV); đồng thời, trả tiền thuốc, xăng dầu phun xịt cũng như tiền điện (!?)”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Bình Định vào sáng 1.11, ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (thuộc Sở NN&PTNT), khẳng định: “Việc lập chốt kiểm dịch động vật ở huyện Vân Canh hiện nay là cần thiết nhằm ngăn chặn không để bệnh lở mồm long móng từ huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) lây lan sang đàn gia súc ở huyện Vân Canh nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Tuy nhiên, việc thu phí TĐKT của Trạm Thú y huyện Vân Canh như thời gian qua là sai quy định và chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh lẫn Sở NN&PTNT”.
Ông Pháp nói thêm: “Chi cục đã yêu cầu Trạm Thú y huyện Vân Canh chấm dứt ngay việc thu phí TĐKT đối với các phương tiện vận tải. Đồng thời, UBND tỉnh cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí thuốc TĐKT nên không có lý do gì phải thu thêm phí. Đến thời điểm hiện tại (ngày 1.11.2015), chuyện thu phí TĐKT tại chốt kiểm dịch động vật huyện Vân Canh đã chấp dứt”.
Vẫn tiếp tục vi phạm!
Chiều 1.11.2015, PV Báo Bình Định tiếp tục trở lại chốt kiểm dịch động vật huyện Vân Canh để tìm hiểu thêm về tình hình kiểm soát, kiểm dịch và câu chuyện thu phí TĐKT tại đây. Qua trao đổi, bà Phạm Thị Thanh Hương, kiểm dịch viên Trạm Thú y huyện Vân Canh, cho hay: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y tỉnh; chúng tôi đã tạm dừng việc thu phí TĐKT từ ngày 28.10.2015 cho đến nay”.
Tuy nhiên, trái với điều bà Hương khẳng định, chiều cùng ngày (1.11), PV Báo Bình Định nhận được phản ánh từ các chủ phương tiện về việc chốt kiểm dịch động vật huyện Vân Canh vẫn tiếp tục thu phí TĐKT. Theo đó, mỗi lần phương tiện dừng tại chốt để phun thuốc TĐKT, tài xế đều được cán bộ Thú y huyện Vân Canh “nhắc” đóng phí 15.000 đồng/lượt. Việc đóng phí này chỉ thỏa thuận bằng miệng giữa cán bộ Trạm Thú y huyện Vân Canh với chủ phương tiện mà không có giấy biên nhận như thời điểm đơn vị này “tổ chức” thu phí 30.000 đồng/lượt.
Có thể thấy, việc Trạm Thú y huyện Vân Canh tự ý đưa ra mức thu và viết phiếu thu phí TĐKT là sai quy định. Thậm chí, khi có ý kiến chỉ đạo từ Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y về việc chấp dứt ngay việc thu phí, cán bộ Trạm Thú y huyện Vân Canh tiếp tục nghĩ ra “sáng kiến” mới để qua mặt ngành chức năng của tỉnh. Để sớm chấm dứt tình trạng này, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y tỉnh cần vào cuộc quyết liệt, sâu sát hơn; đồng thời, làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm.
Ngày 7.8.2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 113/2015/TT-BTC sửa đổi một số nội dung tại Thông tư số 04/2012 về chế độ phí, lệ phí trong công tác thú y (bãi bỏ 13 khoản và điều chỉnh 1 khoản liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí thú y; có hiệu lực thi hành từ ngày 8.8.2015). Theo đó, các khoản lệ phí trong công tác thú y như: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; cấp phép sản xuất kinh doanh thuốc thú y; các khoản phí phòng chống dịch bệnh động vật; các khoản phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y... được bãi bỏ.
TRỌNG LỢI