Điện lực Phù Mỹ chơi trò “ú tim” với khách hàng
Do sai sót, nhầm lẫn trong việc ghi chữ số công tơ điện, Điện lực (ĐL) Phù Mỹ đã khiến một khách hàng sử dụng điện nhiều phen “đau tim”.
Khách hàng nhiều phen “đau tim”
Vào thời điểm tháng 5.2015, ông Nguyễn Thanh Liền (trú xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) nhận giấy thông báo nộp tiền từ ĐL Phù Mỹ với số tiền phải nộp trên 606 ngàn đồng; trong khi đó trước kia trung bình mỗi tháng, hộ gia đình ông chỉ sử dụng điện với số tiền phải nộp từ 200 - 300 ngàn đồng. Nghi ngờ có sai sót trong việc ghi chữ số công tơ, nên ngày 28.6.2015, ông Liền kiểm tra lại công tơ của gia đình. Qua kiểm tra, ông phát hiện chỉ số công tơ tại thời điểm kiểm tra ít hơn chỉ số công tơ do ĐL thông báo vào tháng 5.2015.
Tá hỏa, ông Liền gọi điện thông báo cho ĐL Phù Mỹ; lúc đó, ĐL Phù Mỹ thừa nhận có sai sót trong khâu ghi chữ số công tơ, nhưng vẫn yêu cầu ông Liền nộp tiền như trong hóa đơn trước đó với nhiều mức vượt khung. Ông Liền không đồng ý nên gọi báo cho Tổng công ty ĐL Miền Trung và được đơn vị này thông báo nếu có sai sót thì sẽ cho in lại hóa đơn tiền điện. Qua kiểm tra xác nhận, Tổng công ty ĐL Miền Trung yêu cầu ĐL Phù Mỹ làm việc với hộ sử dụng điện để giải quyết; nhưng ĐL Phù Mỹ chỉ thông báo cho ông Liền biết việc làm lại hóa đơn rất khó nên vẫn phải nộp đúng số tiền như hóa đơn trước kia.
Biên bản làm việc giữa đại diện ĐL Phù Mỹ với hộ gia đình ông Liền.
Sau đó, không hiểu sao nhân viên thu tiền điện không mang hóa đơn tới nhà ông Liền để thu tiền. Thế nhưng, vào ngày 21.7, ông Liền nhận được thông báo cắt điện lần 1 vì không đóng tiền 3 tháng 5, 6 và 7. Thời điểm đó, ông Liền lại gọi điện cho ĐL Phù Mỹ; đơn vị này đồng ý cho người đến thu và sẽ trừ 80.000 đồng so với tổng tiền vì vào tháng 5.2015 đã có sai sót trong việc ghi chữ số công tơ. Thương lượng xong, trong ngày 21.7, nhân viên ĐL tới nhà ông Liền thu tiền, nhưng chỉ thu tiền điện tháng 7.2015; còn tháng 5 và 6.2015 không thu vì không có hóa đơn.
Nhưng 2 ngày sau (ngày 23.7), ông Liền tiếp tục nhận được hóa đơn tiền điện và thanh toán tiền cho ĐL Phù Mỹ với số tiền trên 576 ngàn đồng. Ông Liền nghĩ như vậy đã xong nợ nần, nhưng bất ngờ đến ngày 29.9, ĐL Phù Mỹ cho nhân viên tới nhà ông thông báo cắt điện lần 2 với lý do không nộp tiền điện từ tháng 5, 6, 7, 8 và 9 với tổng tiền trên 800 ngàn đồng.
Bị sốc đến lần thứ 2, ông Liền lại gọi cho ĐL Phù Mỹ để kiểm tra, thương lượng; qua kiểm tra, ông phát hiện số tiền 576 ngàn đồng đã nộp vào ngày 23.7 là nộp cho công tơ điện được sử dụng để bơm nước ruộng (công tơ có ký hiệu tg230743) với điện năng tiêu thụ là 345kWh (chỉ số cũ 398 - chỉ số mới 743). Điều đáng nói, công tơ tg230743 ông Liền đã cắt không sử dụng và ĐL Phù Mỹ cũng không còn in hóa đơn thu tiền từ năm 2014.
Để sáng tỏ, ông Liền kiểm tra lại biên bản treo - tháo công tơ tg230743 thì phát hiện vào thời điểm tháo, biên bản ghi chỉ số trên công tơ là 398 chứ không phải chỉ số 743. Ông Liền thắc mắc thì được ĐL Phù Mỹ giải thích do chỉ số công tơ lúc thay mới có số đó (743) nên chốt trong tháng; ngoài ra, ông mới chỉ nộp tiền cho hóa đơn được gửi vào ngày 23.7, còn hóa đơn các tháng khác chưa nộp. Không đồng tình với cách giải quyết của ĐL Phù Mỹ, ông Liền tiếp tục đề nghị ngành chức năng can thiệp, giúp đỡ.
Điện lực Phù Mỹ nhận trách nhiệm
Liên quan việc này, ông Trần An Khương - Giám đốc ĐL Phù Mỹ, cho biết: Sau khi khách hàng nhiều lần yêu cầu ĐL xem xét lại, vào ngày 1.10 vừa qua, đại diện ĐL Phù Mỹ có buổi làm việc với ông Liền. Qua làm việc, ĐL Phù Mỹ nhận thấy có sai sót trong việc ghi chữ số công tơ; cụ thể, chỉ số công tơ trong tháng 5.2015 chỉ là 12.638, nhưng nhân viên ghi chữ lại ghi thành 12.838 (vượt 200kWh).
Do đó, điện năng gia đình ông Liền đã tiêu thụ trong tháng 5 tăng lên 299kWh; trong khi đó, tháng 6 giảm xuống chỉ còn 25kWh. Về sai sót này, ĐL Phù Mỹ đã điều chỉnh hóa đơn tiền điện tháng 5 và 6.2015 theo đúng thực tế hộ gia đình đã sử dụng. Ngoài ra, ĐL Phù Mỹ cũng đã trả lại cho ông Liền số tiền thừa do chênh lệch giá điện sinh hoạt bậc thang.
Đối với hóa đơn tiền điện ngoài sinh hoạt (công tơ tg230743 dùng vào mục đích bơm nước ruộng), chỉ số công tơ lúc tháo chính xác là 743, nhưng nhân viên ĐL nhầm lẫn, ghi vào biên bản treo - tháo chỉ số là 398. Việc này sau khi nghe ĐL Phù Mỹ giải thích cụ thể, ông Liền không còn thắc mắc gì thêm.
“Những sai sót đối với trường hợp hộ ông Liền, tôi xin thay mặt ĐL Phù Mỹ nhận trách nhiệm và mong ông thông cảm. Qua làm việc, ông Liền cũng đã hiểu và thông cảm; 2 bên cũng đã thống nhất hướng giải quyết đối với trường hợp này”, ông Khương cho biết thêm.
Có thể thấy, việc ĐL Phù Mỹ thể hiện tinh thần cầu thị, kịp thời sửa sai để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, qua trường hợp này, ĐL Phù Mỹ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn.
VĂN LỰC