Mở hai lớp trung cấp tuồng và dân ca bài chòi (niên khóa 2015 - 2018):
Kỳ vọng sẽ có lứa nghệ sĩ mới
Sau 10 năm gián đoạn đào tạo vì không tuyển được học viên, mới đây, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Bình Định mới mở được hai lớp trung cấp tuồng và dân ca bài chòi.
Nỗ lực tuyển sinh
Lớp trung cấp tuồng khóa VIII và trung cấp dân ca bài chòi khóa VII niên khóa 2015 - 2018 với 37 học viên (tuồng: 12, dân ca bài chòi: 25) là con số ít ỏi so với bất cứ ngành nghề đào tạo nào. Song, đấy là kết quả của một chặng đường dài đầy nỗ lực và tâm huyết trong tìm kiếm năng khiếu, chiêu sinh, tuyển sinh của 3 đơn vị phối hợp: Trường Trung học VHNT tỉnh, Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Hiệu trưởng Trường Trung học VHNT tỉnh Trịnh Thị Cúc cho biết: “Mặc dù chỉ tiêu năm nào cũng có, nhưng người “dũng cảm” học và theo nghệ thuật truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Câu chuyện 10 năm không có người học tuồng, bài chòi ngay chính trên mảnh đất được mệnh danh là xứ sở tuồng, bài chòi thật sự rất xót xa! Kỳ này ban tuyển sinh chúng tôi hạ quyết tâm phải tìm cho ra người học, đủ số lượng để khai giảng cho bằng được 2 lớp trên, bằng việc tiến hành song song nhiều cách tuyển, đề xuất tăng chính sách ưu đãi cho người học để thu hút”.
Các học viên lớp trung cấp tuồng khóa VIII chụp hình lưu niệm với thầy cô trong ngày khai giảng.
NSƯT Hồ Thu (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, đồng giáo viên chủ nhiệm của lớp dân ca bài chòi) kể thêm: “Mỗi lần về địa phương nào biểu diễn, Đoàn đều tranh thủ thông báo tuyển sinh và tổ chức tuyển ngay tại đó khi có người đến đăng ký. Năm nào cũng đều tuyển được vài em, nhưng ngặt nỗi số lượng không đủ để mở lớp. Có không ít trường hợp qua được sơ tuyển, các em gọi hỏi Đoàn suốt là khi nào trường mở lớp, rằng vẫn “chờ để học bài chòi” trong khi “học tạm”, “làm tạm” những ngành nghề nào đó. Đây là những em thật sự có năng khiếu và yêu thích, chúng tôi rất lưu tâm, thường xuyên giữ liên lạc, đến nay mở lớp thì gọi các em vào học”. Trong số này có Sử Thành Việt, người được Đoàn Ca kịch Bài chòi phát hiện từ 4 năm trước. Rất có năng khiếu và lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng theo học bài chòi, song chờ mãi, Việt đành vào TP Hồ Chí Minh “học tạm” cải lương. Ngay khi có thông tin lớp trung cấp dân ca bài chòi được mở, Việt trở thành một trong những người đầu tiên đăng ký học.
Cần tạo điều kiện cho các học viên
Được biết, ở lớp trung cấp dân ca bài chòi khóa VII, có 7/25 học viên là con, em nghệ sĩ nối nghề, số còn lại tuy không xuất thân kiểu “cha truyền con nối” nhưng có năng khiếu tốt và đều xác định theo nghề chắc chắn. Trong khi đó ở lớp tuồng khóa VIII, có 8/12 học viên là diễn viên trẻ của Nhà hát tuồng Đào Tấn đăng ký học thêm để bồi bổ chuyên môn, số ít còn lại cũng là con em nghệ sĩ nối nghề.
Thông thường, số lượng đầu vào 37 học viên sẽ khó bảo toàn đến ngày tốt nghiệp ra trường, điều này đã xảy ra ở tất cả các khóa trước. Hiệu trưởng Trịnh Thị Cúc trăn trở: “Trong số 37 học viên ban đầu, có thể nhiều em sẽ bỏ cuộc, đó là quy luật sàng lọc tất yếu của nghệ thuật, căn bản phụ thuộc vào ý chí, niềm đam mê của các em... Đây là dạng đào tạo có địa chỉ, do vậy, điều chúng ta có thể làm là với số còn lại ra trường, được nhận về hai đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp của tỉnh, các em phải được tạo mọi điều kiện để làm nghề”.
Các học viên theo học ngành tuồng, dân ca bài chòi được miễn 70% học phí theo Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường VHNT. Hiệu trưởng Trịnh Thị Cúc cho biết: “Nhà trường đã đề xuất UBND tỉnh miễn tiếp 30% học phí còn lại cho các học viên. Tuy chưa có đồng ý bằng văn bản nhưng nhà trường cũng đã cho học sinh nhập học mà không phải đóng một đồng học phí nào. Đằng đẵng 10 năm mới tuyển được chừng ấy, hơn nữa, đây là lứa tôi nhận thấy rất triển vọng. Vì vậy, chúng ta cần phải hết sức chắt chiu, tạo điều kiện, không chỉ ở học phí mà còn những chế độ đặc thù khác”.
SAO LY