Phát hiện quần thể mộ cổ giáo xứ Gò Thị
Trong quá trình khảo sát di tích mộ cổ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2015, chúng tôi ghi nhận quần thể mộ cổ giáo xứ Gò Thị. Khu mộ này nằm giữa cánh đồng lúa thuộc thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Về kiểu dáng, khu mộ có 3 loại hình cơ bản dựa trên phân loại theo tiêu chí của nấm mộ: mộ hình Chữ nhật, mộ hình Ngưu miên và mộ hình Bán noãn. Ở kiểu nấm mộ hình Chữ nhật, dạng mộ này vừa có đơn táng và song táng, được chia làm hai kiểu nhỏ: nấm mộ có hình Chữ nhật thấp, số lượng hiện còn 3 mộ và đều quay về hướng Đông, chỉ có một mộ có bia. Kiểu mộ này có tường bao hình chữ nhật, có bình phong tiền (nằm ngoài tường bao), bình phong hậu thiết kế dạng cuốn thư (chính giữa có đắp nổi cây thánh giá), có trụ sen và trụ chóp. Thứ hai là nấm mộ hình Chữ nhật giật cấp, có số lượng 8 mộ và toàn bộ đều không có bia…
Kiểu nấm mộ hình Ngưu miên.
Kiểu nấm mộ hình Ngưu miên có 8 mộ, bia đặt trên khám thờ nhỏ có chân quỳ, khuôn hai bên bia mộ có trang trí hoa văn hình vân mây hoặc chỉ là hai khuôn nhỏ để trống theo kiểu tam sơn. Trong số 4 mộ có bình phong tiền, nấm mộ và bình phong hậu, thì lớn nhất là mộ của Thánh Anre Nguyễn Kim Thông đã bị đào lên để di dời hài cốt và sau này xây thêm tường bao nên không còn giữ được nguyên bản…
Kiểu nấm mộ hình Bán noãn có 25 mộ theo hình dáng một đầu to vê tròn, một đầu nhọn, có trang trí đắp nổi hoa văn hình xoắn trôn ốc. Tất cả loại mộ kiểu này đều không có bia, có 1 mộ là có bình phong hậu, còn lại chỉ có duy nhất mỗi phần nấm mộ.
Trong quần thể các mộ nêu trên chủ yếu có bốn loại vật liệu cấu tạo nên kiến trúc mộ: khối hợp chất, gạch, đá ong và đá cát. Hợp chất bao gồm các thành phần như vôi, cát sông, hạt sạn, mật mía, nhựa thực vật (có thể là ô dước hoặc tơ hồng)… Hợp chất nguyên khối thường sử dụng làm bia và nấm mộ, còn gạch và đá ong thường sử dụng làm cốt bên trong, bên ngoài phủ hợp chất.
Chủ nhân quần thể mộ cổ giáo xứ Gò Thị là các hậu duệ của thánh Anre Nguyễn Kim Thông và những giáo dân thuộc giáo xứ Gò Thị. Dựa vào những tài liệu ghi chép, chữ trên bia mộ, loại hình mộ, chất liệu và lời kể của hậu duệ những chủ nhân các ngôi mộ cổ, có thể định niên đại quần thể mộ hợp chất này vào nửa sau thế kỷ XIX. Đây được xem là quần thể mộ cổ của người theo đạo Công giáo lớn nhất tại Bình Định, tư liệu lịch sử có giá trị cần được phát huy nghiên cứu không chỉ ở địa phận Tuy Phước mà còn cả tỉnh...
HOÀNG NHƯ KHOA