Phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn): “Về đích” đầu tiên trong công cuộc xóa hộ nghèo
Nhận thức rõ thế mạnh của địa phương, biết khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo và khơi dậy tinh thần vươn lên của người nghèo, Lý Thường Kiệt đã trở thành phường, xã đầu tiên trên địa bàn TP Quy Nhơn và toàn tỉnh xóa được hộ nghèo.
Thành lập năm 1998, phường Lý Thường Kiệt có đặc trưng khoảng 80% dân cư là cán bộ, viên chức, người lao động ở các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và 20% là tiểu thương. Đảng ủy và UBND phường xác định nhiệm vụ trọng tâm là nhanh chóng xóa nghèo bền vững, đưa địa phương phát triển hơn nữa. Trải qua nhiều nỗ lực, mới đây phường Lý Thường Kiệt đã được UBND TP Quy Nhơn chính thức công nhận “về đích” trong công cuộc xóa hộ nghèo.
Nỗ lực tự thân
Tại thời điểm thành lập, phường Lý Thường Kiệt có 47 hộ nghèo. Năm 2005, địa phương còn 24 hộ nghèo. Đến cuối năm 2013, phường còn 8 hộ nghèo. Và đến nay, toàn phường không còn hộ nghèo. Góp phần làm nên kết quả đáng ghi nhận này trước tiên là nhờ nỗ lực tự thân của mỗi hộ nghèo.
Ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ 15 phút sáng, bà Trương Thị Thanh Nga (55 tuổi, ở tổ 20, khu vực 5) rời nhà để đến nơi làm việc - tiệm phở 84 đường Trần Phú. Bị liệt 2 chân do sốt bại liệt lúc 3 tuổi nên bà phải đi nhờ xe của người giao rau cho tiệm phở hoặc nhờ con gái chở đi làm. Một mình nuôi con gái đang học Đại học Quy Nhơn, bà xác định mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thương mẹ khuyết tật với nhiều nhọc nhằn, ngoài giờ học, con gái bà cũng dành thời gian để làm gia sư, tranh thủ ngày cuối tuần làm thêm ở tiệm phở cùng mẹ. Nỗ lực của hai mẹ con có thể mang khoản thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm 2014, gia đình bà Nga đã thoát nghèo.
Bà Nga tâm sự: “Tôi luôn cố gắng làm việc mỗi ngày để có thu nhập ổn định. Mừng một điều là trong những lúc khó khăn, mẹ con tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bạn bè. Năm 2014, được phường Lý Thường Kiệt hỗ trợ 15 triệu đồng, nhiều người quen cho mượn tiền, tôi mạnh dạn sửa chữa lại căn nhà đã xuống cấp có chiều ngang chưa đầy 2m, nhưng nó là tổ ấm ý nghĩa với mẹ con tôi”.
Cũng cố gắng phấn đấu để thoát khỏi cảnh nghèo khó, chị Ngô Thị Thanh Hồng (45 tuổi, ở khu vực 3) làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Là lao động chính trong một gia đình không có đàn ông, một mình nuôi hai con (con đầu bị bệnh nan y) và mẹ già, chị làm lụng suốt ngày mà vẫn không khá lên được. Năm 2014, được phường và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn hỗ trợ 15 triệu để làm vốn sản xuất, kinh doanh, chị liền mở quán bún tại nhà. Thu nhập bước đầu từ hàng quán phần nào giúp chị đỡ cực nhọc, có nhiều thời gian hơn để chăm lo cho gia đình.
Ông Đặng Nhật Nam, Chủ tịch UBND phường Lý Thường Kiệt, chia sẻ: “Hộ nghèo trong phường, mỗi hộ một hoàn cảnh riêng. Nhưng điểm chung của các gia đình là đều quyết tâm làm ăn để chăm lo cho gia đình, nuôi con cái ăn học. Sự nỗ lực từ bản thân các gia đình đã trở thành nền tảng vững chắc để các chính sách hỗ trợ của phường đến hộ gia đình có hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND phường cũng xem trọng công tác giám sát tình hình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho người dân, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích”.
Đồng hành cùng người nghèo
Những năm qua, phường Lý Thường Kiệt đã huy động nhiều nguồn lực giúp người nghèo thoát nghèo. Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ Vì người nghèo, địa phương còn xây dựng các tổ tương trợ, phụ giúp nhau của các Hội đoàn thể và kêu gọi các doanh nghiệp, ngân hàng đóng chân trên địa bàn hỗ trợ người nghèo.
Cuối năm 2013, toàn phường Lý Thường Kiệt chỉ còn 8 hộ nghèo. Qua điều tra, phân loại, đã xác định có 4 hộ “nghèo bền vững” vì thành viên hộ gia đình là người già yếu, bệnh tật, mất khả năng lao động. Với 4 trường hợp này, UBND phường Lý Thường Kiệt đã mạnh dạn đề xuất UBND TP Quy Nhơn cho phép được xếp vào diện “bảo trợ xã hội” và kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ mỗi hộ 1 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng. Đây là cách làm được TP Quy Nhơn đánh giá cao.
Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của TP Quy Nhơn vừa qua, ông Trần Văn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Quy Nhơn, đề nghị các phường, xã học tập cách làm này của phường Lý Thường Kiệt để công tác xét hộ nghèo chặt chẽ hơn. Với 4 trường hợp nghèo còn lại, phường đã hỗ trợ 10 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn hỗ trợ 5 triệu đồng để mua sắm phương tiện sản xuất, kinh doanh.
Dù 8 hộ nêu trên đến nay đã không thuộc diện nghèo, song nhằm tiếp tục động viên các gia đình, UBND phường đã vận động được 9 đơn vị trên địa bàn hỗ trợ mỗi hộ 150 ngàn đồng/tháng. Được biết, một số nhà tài trợ đã đồng ý hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo này đến tháng 11.2016.
“Thời gian tới, phường vẫn tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị đồng hành cùng người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ mới thoát nghèo trên địa bàn để giúp hộ vươn lên bền vững. Ngoài ra, phường sẽ kiến nghị lên cấp trên về việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng Quỹ Vì người nghèo để những hộ khó khăn trên địa bàn cũng được hỗ trợ từ nguồn này”, Chủ tịch UBND phường Đặng Nhật Nam cho biết thêm.
NGUYỄN MUỘI