Hoài Nhơn: Nông dân lạm dụng thuốc diệt cỏ
Ðể giảm chi phí làm cỏ một bộ phận lớn nông dân ở Hoài Nhơn đã sử dụng thuốc diệt cỏ để phun vào các chân ruộng lúa. Việc lạm dụng hóa chất gây nhiều hệ lụy đối với môi trường và người sử dụng.
Làm đất để bước vào vụ sản xuất là một khâu tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước đây người dân phải mất hàng tháng trời để làm sạch cỏ thì hiện nay đa phần người dân ở Hoài Nhơn chọn cách mua thuốc diệt cỏ đem phun, sau vài ngày cỏ sẽ chết, đỡ tốn công như cách diệt cỏ thủ công truyền thống.
Sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan
Với khả năng diệt cỏ nhanh, chi phí thấp, thuốc diệt cỏ được nông dân sử dụng và giờ đây nhiều người đã làm dụng. Ông Nguyễn Bá Tấn, xã Hoài Mỹ, cho biết: “Vẫn biết dùng thuốc cỏ nhiều là không tốt nhưng bây giờ sản xuất 2 vụ nên thời gian đất trống để khá lâu, cỏ mọc xanh tốt, nhiều loại cỏ ăn sâu xuống đất nếu chỉ làm bằng phương pháp thủ công thì không hiệu quả thậm chí khi bước vào vụ mới hạt cỏ nảy mầm còn xanh tốt hơn cả lúa nên hầu hết nông dân đều chọn cách dùng thuốc”.
Với nông dân Phạm Coi, ở xã Hoài Đức, thì: “Cứ mỗi chai thuốc diệt cỏ 75.000 đồng phun được 3 sào cộng thêm công phun 30.000 đồng thì vị chi công trừ cỏ cho 1.500m² đất chỉ vẻn vẹn hơn 100 ngàn đồng. Chứ nếu thuê người dọn cỏ chí ít cho từng đó diện tích cũng không dưới tiền triệu”. Cũng theo ông Coi, đáng lẽ làm theo khuyến cáo của chai thuốc diệt cỏ, thì liều lượng sử dụng là phun cho 5 sào nhưng ông rút lại còn 3 sào để cho hiệu quả cao hơn.
Ngoài bà con nông dân thường sử dụng, để giảm chi phí thuê công phát dọn, nhiều đơn vị quản lý công trình thủy lợi cũng dùng thuốc diệt cỏ để trừ cỏ dại làm thông thoáng dòng chảy.
Qua quan sát thực tế, nhiều nông dân còn vô tư để da tiếp xúc trực tiếp với thuốc diệt cỏ mà không trang bị cho mình một vật dụng bảo hộ nào.
Và những hệ lụy
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng theo khuyến cáo của ngành chức năng đều phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng “Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng nồng độ và đúng cách” tuy nhiên nhiều người dân đã lơ đi những khuyến cáo và làm theo ý mình gây nhiều hậu quả khôn lường. Tính sơ lược trong 1 vụ lúa thì người nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ ít nhất 3 lần, 1 lần để diệt cỏ dại trước khi làm đất, 1 lần phun trước khi gieo sạ, nếu trong vụ cỏ mọc tiếp thì người nông dân lại dùng lần 3 nên nguy cơ dư lượng thuốc còn lưu lại trong đất khá lớn.
Theo ông Trần Văn Trường - Trưởng trạm BVTV huyện Hoài Nhơn cho biết: Mặc dù trong đợt tập huấn nào cán bộ của Trạm cũng lưu ý với bà con nông dân tuân thủ nguyên tắc 4 đúng; nhưng thực tế áp dụng, nhiều hộ làm theo quán tính với ý nghĩ nếu thuốc càng đậm đặc càng cho hiệu quả cao, mà không biết rằng với liều lượng cao ngoài diệt cỏ thuốc cũng diệt luôn các sinh vật có lợi trong đất, gây chai đất làm nghèo dinh dưỡng ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác, khi phun thuốc diệt cỏ bà con nông dân cũng không làm biển cảnh báo để trâu bò các hộ khác vào ăn, gây nguy hại không nhỏ cho vật nuôi.
Thuốc trừ cỏ giúp nông dân đỡ vất vả và tiết kiệm công lao động. Tuy nhiên, cần sử dụng hợp lý để giảm những tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe của con người. Hiện tượng này chúng tôi đã khảo sát và thấy rõ ở Hoài Nhơn tuy nhiên tin chắc rằng Hoài Nhơn không phải là trường hợp cá biệt. Đề nghị chính quyền và các cơ quan có chức năng liên quan hướng dẫn, tuyên truyền và động viên người dân diệt cỏ đúng cách, sử dụng hóa chất sao cho phù hợp, tránh chỉ thu được cái lợi nhỏ trước mắt mà làm mất lợi ích to lớn lâu dài.
ÁNH NGUYỆT