Vắc-xin dịch vụ: Cầu vượt cung
Nhu cầu sử dụng vắc-xin dịch vụ vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là vắc-xin 6 trong 1. Thế nhưng, ngành Y tế vẫn chưa thể giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn cung vắc-xin dịch vụ.
Khan hiếm
Sáng 3.11, trời đổ mưa to, nhưng chị Huỳnh Thị Thúy Vi (ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) vẫn đưa con trai Phạm Minh Tuấn vào Quy Nhơn để tiêm vắc-xin sởi - quai bị - rubella. “Tui nhờ người quen hỏi giùm mấy lần rồi nhưng đều không có vắc-xin. Nghe mới có lại, phải đưa con vào tiêm ngay, chứ nay bé cũng đã 32 tháng tuổi rồi, không tiêm đợt này thì muộn quá”, chị Vi cho hay. Cử nhân Quách Ngọc Thạnh, nhân viên khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (TTYT dự phòng tỉnh), cho hay vắc-xin 3 trong 1 phòng bệnh sởi - quai bị - rubella bị “đứt” 4 tháng, mới có lại nửa tháng nay.
Tiêm vắc-xin Quinvaxem cho trẻ ở TP Quy Nhơn.
Không gặp may như chị Vi, chị Trần Thị Duyên (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) cũng “canh” loại vắc-xin 3 trong 1 này gần cả năm trời. Đến khi có vắc-xin thì con gái Phan Ngọc Khánh Tâm (31 tháng tuổi) lại bị xếp vào diện “chống chỉ định”, do bị sốt co giật trước đó. “Bác sĩ nói phải sau 1 năm tính từ đợt sốt co giật, bé mới được phép tiêm vắc-xin sởi - quai bị - rubella”, chị Duyên cho biết.
Tuy nhiên, bé Khánh Tâm là một trong số ít trẻ trong tỉnh được tiêm vắc-xin 6 trong 1. Chị Duyên kể, thời điểm con gái được hơn 2 tháng tuổi - thời điểm bắt đầu được tiêm, vắc-xin Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa bị nhiều “tai tiếng” nên vắc-xin 6 trong 1 chưa khan hiếm như bây giờ. Chị “bấm bụng” bỏ ra 650 ngàn đồng/mũi tiêm để con gái được tiêm vắc-xin dịch vụ cho yên tâm.
Sau khi sinh ở TP Hồ Chí Minh, chị Trương Minh Nguyệt đưa con gái Đinh Khánh Minh về quê ngoại ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Đến độ tuổi phải tiêm vắc-xin 5 trong 1, chị Nguyệt cố dò hỏi nhưng không tìm đâu ra vắc-xin dịch vụ. “Chấp nhận để con tiêm vắc-xin 5 trong 1 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nhưng thấy con nóng sốt mà đứt cả ruột”, chị chia sẻ.
Chị Nguyệt đưa con gái vào lại TP Hồ Chí Minh sau khi đã tiêm xong 2 mũi đầu tiên của vắc-xin Quinvaxem. Lúc này, tại thành phố cũng không dễ gì tìm được vắc-xin dịch vụ. Huy động hết mọi mối quan hệ, chị mới đặt được một liều Pentaxim cho con gái tại một cơ sở y tế tư nhân lớn. “Tiền vắc-xin là 875 ngàn đồng, cộng phí khám thông thường 525 ngàn đồng, quá “chát”, nhưng có vắc-xin đã là may lắm rồi!”, chị Nguyệt bày tỏ.
Vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Do thiếu nguồn cung
Theo Giám đốc TTYT dự phòng Bùi Ngọc Lân, tỉnh ta chưa từng mua được vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim, trong khi vắc-xin 6 trong 1 có dấu hiệu khan hiếm từ cuối năm 2013 - thời điểm xảy ra nhiều ca tai biến sau khi tiêm Quinvaxem. Vắc-xin 6 trong 1 bắt đầu “đứt” từ năm 2014, sau đó được cung ứng theo kiểu “nhỏ giọt”. “Đầu năm 2015, chúng tôi tiêm 1 đợt mũi 1 vắc-xin 6 trong 1 nữa là ngưng hẳn. Hiện, kho của Trung tâm chỉ còn 35 liều, ưu tiên cho những trẻ tiêm mũi 2 và 3, chứ không tiêm mới nữa”, ông Lân khẳng định.
Thời gian qua, đã có tình trạng cho trẻ tiêm vắc-xin không cùng loại trong các mũi khác nhau, chủ yếu là vắc-xin Quinvaxem ở mũi 1, vắc-xin 6 trong 1 ở mũi 2, 3. Theo thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, cần hạn chế tình trạng này, nếu bất khả kháng thì chỉ cho trẻ tiêm khi 2 loại vắc-xin cùng thành phần, cùng công nghệ sản xuất.
Không chỉ vắc-xin 6 trong 1, nhiều loại vắc-xin dịch vụ khác cũng trong tình trạng cầu vượt cung, như huyết thanh kháng dại, vắc-xin cúm mùa, viêm não mô cầu, viêm gan A-B, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella… Nguyên nhân chính là khó khăn về nguồn cung. “Nhu cầu sử dụng vắc-xin dịch vụ tăng nhanh, trong khi các nhà sản xuất không dự lường trước được nên không thể theo kịp. Trong khi đó, các nhà phân phối cũng không mấy mặn mà do vướng nhiều thủ tục rườm rà trong quá trình đấu thầu. Nhiều khi có vắc-xin, chúng tôi làm thủ tục đăng ký xong thì vắc-xin đã bán hết”, ông Lân phân tích.
Ngày 2.11, trả lời báo giới bên lề cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho hay vắc-xin dịch vụ không đủ, “đi mua người ta còn không bán, muốn mua cũng không có chỗ mua”. Các hãng dược phẩm cũng chưa hứa hẹn gì về việc cung cấp vắc-xin dịch vụ. Trong khi đó, chỉ cần chờ đợi 1-2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không nên đợi đến khi có vắc-xin dịch vụ mới tiêm cho con. Thay vì đó, có thể đưa trẻ đến các trạm y tế để được tiêm phòng miễn phí các loại vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, hiệu quả phòng bệnh lên tới hơn 95%.
NGUYỄN VĂN TRANG