Nguy cơ mắc bệnh từ nước hồ bơi
Trong những ngày nắng nóng liên tục vừa qua, nhiều phụ huynh ở Quy Nhơn tranh thủ cho con đến hồ bơi để tập bơi, rèn luyện thể chất và “giải nhiệt”. Nhu cầu này cũng bắt đầu nhộn nhịp khi các em bước vào kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, nguy cơ lây bệnh từ nước hồ bơi là không nhỏ.
Nhiễm bệnh sau khi đi bơi
Tranh thủ những ngày nghỉ hè, chị Hà, một tiểu thương ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn đăng ký cho 2 đứa con tập bơi ở hồ bơi cạnh sân vận động Quy Nhơn. Tưởng rằng như thế sẽ giúp các con vận động khỏe mạnh, luyện tập kỹ năng bơi lội; nhưng vài hôm sau đó thì cả vợ chồng chị Hà phải phát hoảng bởi 2 đứa con thi nhau nôn mửa và tiêu chảy liên tục. Hớt hải đưa con đi bệnh viện, chị Hà được bác sĩ truy vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như thói quen sinh hoạt thường ngày của các con chị nhưng tất cả được loại trừ, chỉ còn lại nước hồ bơi là thủ phạm nghi vấn.
Tương tự, thấy đứa con 7 tuổi bỗng dưng bị ngứa và đỏ mắt hơn 3 ngày qua, chị Lan, ở phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) mua thuốc nhỏ mắt cho cháu nhưng không hết. Đưa cháu đến một phòng khám mắt để khám và điều trị, chị Lan mới biết cháu bị đau mắt đỏ là do cháu đi tắm hồ và có thể dẫn đến bội nhiễm, viêm loét giác mạc. Chị Lan cho biết: “Tôi đăng kí cho cháu học bơi một tuần 3 buổi tại hồ bơi trong sân vận động Quy Nhơn, cháu đi học được vài ngày thì cháu bị đỏ mắt, sợ quá nên tôi đưa cháu đi khám mới được bác sĩ khuyến cáo đau mắt đỏ có thể cháu nhiễm khuẩn từ nước hồ bơi”.
Một bác sĩ tại khoa khám của Bệnh viện Mắt tỉnh Bình Định cho biết, trong những ngày qua, số người đến khám do đau mắt đỏ tăng lên nhiều, trong đó không ít người có đi tắm ở các hồ bơi. Trong khi đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa cũng cho biết tình trạng trẻ bị mắc các bệnh ngoài da như nấm mốc, ghẻ ngứa đến khám cũng tăng lên đáng kể, và qua khai thác bệnh sử thì không ít cháu có đi tắm ở hồ bơi. Còn bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng Diệp Thanh Thảo khuyến cáo tình trạng viêm tai giữa có nguyên nhân từ thói quen bơi lội ở các ao hồ. Viêm tai giữa nếu chủ quan không điều trị kịp thời có thể dẫn đến điếc, có trường hợp tử vong bởi biến chứng viêm màng não hay xuất huyết não.
Hồ xuống cấp, là nơi chứa mầm bệnh
Theo Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT (Sở VH-TT&DL), hồ bơi kể trên đã xuống cấp trầm trọng, Trung tâm khắc phục bằng cách cho xả và bơm nước bằng giếng đóng thường xuyên vào hồ để đảm bảo vệ sinh cho các em tập bơi. Tuy nhiên, đây chỉ là giải quyết tình thế chứ không đảm bảo theo quy định về an toàn vệ sinh, bể bơi không có bộ phận lọc nước, không bổ sung hóa chất diệt khuẩn.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hồ bơi phải tuân thủ an toàn vệ sinh như thay nước thường xuyên, bổ sung hóa chất diệt khuẩn. Nếu không chú trọng vấn đề này thì đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các loại vi trùng, vi khuẩn… sinh sôi, gây bệnh.
Hiện nay, phần lớn đối tượng của các hồ bơi là trẻ em dưới 15 tuổi, khả năng miễn dịch thấp và ý thức phòng bệnh chưa cao. Trong khi các bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng ủng hộ con em mình đi bơi là tốt mà không hiểu hết cách thức ngừa bệnh cho các cháu. Vì vậy khuyến khích cho các cháu vui chơi, hoạt động thể dục thể thao trong dịp hè là hết sức cần thiết, trong đó có bơi lội; tuy nhiên phụ huynh cũng cần chọn lựa những cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, điều kiện bảo hộ để các cháu được an toàn.
VĂN LƯU