Hiệp hội Ðiện cơ Bình Ðịnh: Dạy nghề miễn phí cho nhiều thanh niên
Thành lập từ năm 2013, Hiệp hội Ðiện cơ Bình Ðịnh đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên. Hàng năm, Hiệp hội tổ chức dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho khoảng 20 thanh niên. Qua đó, nhiều thanh niên không chỉ có nghề để kiếm sống mà còn có thể tự mở cơ sở riêng của mình và trở thành hội viên tích cực của Hiệp hội.
Lớp học đặc biệt
Do gia đình quá khó khăn, Đào Kim Ngân, 18 tuổi, ở KV1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn nghỉ học từ sớm đi làm thuê khắp nơi kiếm sống. Tham gia sinh hoạt Đoàn ở khu phố, biết được thông tin Hiệp hội Điện cơ Bình Định có mở các lớp dạy nghề miễn phí, Ngân liên hệ nhờ Thành đoàn Quy Nhơn giới thiệu đi học nghề. Nhờ vậy, Ngân được Hiệp hội sắp xếp học nghề tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Kim Hưng (201 Hùng Vương, TP Quy Nhơn) gần 3 tháng nay.
Kim Ngân tâm sự: “Trước đây, tôi mong có được một nghề để đi làm đỡ vất vả, có thêm thu nhập nhưng không có tiền để đi học. Giờ được học nghề điện cơ, tôi rất vui và cảm thấy phù hợp với sở thích của mình nên sẽ cố gắng học. Mọi người ở công ty chỉ dẫn tôi tận tình, anh em học viên hòa thuận giúp đỡ nhau”.
Tại cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Kim Hưng, Ngân và các học viên khác đang được anh Võ Kim Hưng, Giám đốc công ty, Chủ tịch Hiệp hội Điện cơ, chỉ dẫn học nghề. Anh Hưng cho biết, mỗi học viên sẽ được đào tạo nghề trong vòng 2 năm với các nội dung lắp ráp, sửa chữa các loại máy phát điện, đồ điện dân dụng, lắp đặt thiết bị điện... Thời gian học nghề, mỗi học viên được sắp xếp chỗ ăn ở miễn phí, ngoài ra được hỗ trợ từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng ở năm đầu tiên và 2 triệu đồng ở năm thứ hai.
Anh Hưng cho biết thêm: “Việc học nghề ở đây không như ở trường lớp. Chúng tôi vừa chỉ bảo lý thuyết và hướng dẫn trực tiếp học viên thực hành. Việc vừa học vừa làm giúp các em tiếp cận công việc nhanh hơn, nếu gặp khó khăn, không hiểu thì hỏi ngay. Nghề điện cơ khá vất vả, đòi hỏi sự khéo léo nên chúng tôi sắp xếp cho mỗi học viên thử học trong 2 tuần. Nếu ai thật sự đam mê, phù hợp thì tiếp tục đào tạo”.
Anh Lê Bá Nghi, 28 tuổi, quê ở Bình Nghi, Tây Sơn là bộ đội xuất ngũ, đang được học nghề tại Hiệp hội Điện cơ Bình Định được 1 năm nay, vui vẻ cho biết: “Tôi đã có bằng cao đẳng nghề nên khi được Hiệp hội Điện cơ giúp đỡ, tôi tiếp cận công việc nhanh hơn, được hỗ trợ ăn ở miễn phí và cả chi phí đủ trang trải sinh hoạt cá nhân. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nên khi học nghề xong, tôi sẽ được một công ty ở Hiệp hội nhận làm việc luôn, đó là tin vui đối với tôi”.
Đôi bên cùng có lợi
Nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học nghề đều được tạo điều kiện làm việc ở tại các công ty mà chủ doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Điện cơ Bình Định. Những học viên có điều kiện thì về mở cửa hàng sửa chữa ở nhà, hoặc xin làm việc ở các doanh nghiệp, công ty khác. Có người từ những lớp dạy nghề miễn phí này đã trở thành thợ lành nghề, tạo dựng được cửa hàng lớn như: anh Tô Minh Khoa (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước); anh Trần Minh Thành (thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn)...
Anh Bùi Văn Diện, chủ tiệm điện cơ Diện (230 Hùng Vương, TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi cũng được học nghề miễn phí ở Công ty TNHH Minh Tài, 1005 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, là hội viên của Hiệp hội Điện cơ Bình Định, rồi ở lại làm thợ cho công ty một thời gian. Sau khi tích góp được ít vốn, tôi ra mở tiệm riêng. Quả thật, tôi cảm thấy mình may mắn khi được tạo điều kiện để học nghề, được nhận vào làm để vừa tích lũy kinh nghiệm vừa có thể nuôi sống bản thân và lo cho gia đình. Giờ tôi có tiệm riêng, dù nhỏ, và trở thành hội viên Hiệp hội, tôi cũng sẽ giúp đỡ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn học nghề và tạo việc làm cho họ như chính mình đã từng được giúp đỡ”.
Theo anh Võ Kim Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Điện cơ Bình Định, thì việc hỗ trợ đào tạo nghề, chỗ ăn ở miễn phí cho học viên đều được hội viên chăm lo tốt. “Học viên học nghề tuy chưa thể tạo ra sản phẩm đủ cho chi phí đào tạo, song vì nhu cầu thợ ở các công ty, cửa hàng điện cơ khá cao, thanh niên đến với nghề còn ít nên hội viên Hiệp hội chấp nhận để có cơ hội tìm kiếm thợ có tay nghề, gắn bó thời gian với cửa hàng, công ty của hội viên”, anh Hưng nói.
HẢI YẾN