Mai một các làng nghề thủ công
Các làng nghề thủ công truyền thống của quê hương Bình Ðịnh đang đứng trước nguy cơ bị mai một và cần có những giải pháp hỗ trợ thiết thực để góp phần bảo tồn.
Làng nghề đan đát mây tre Quang Quan (xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn) một thời làm ra sản phẩm không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm đan đát do người dân ở đây làm ra phong phú và đa dạng các loại nong, nia, dần, rổ, gầu tát nước, đơm, đó, lờ… Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, các sản phẩm công nghiệp cùng loại tiện dụng, giá thành lại rẻ đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường, khiến cho các sản phẩm làm bằng đan đát thủ công bị mất dần vị trí. Vì vậy, làng nghề đan đát Quang Quan đang trên đà điêu đứng.
Để làm ra được một sản phẩm đan đát thủ công như người dân làng nghề Quang Quan đòi hỏi sự công phu từ khâu chọn đến xử lý nguyên liệu, chẻ, vót, đan đều cần sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn, thế nhưng công lao động lại rất thấp. Hiện ở làng nghề chỉ còn số ít người bám trụ lại tính trên đầu ngón tay, phần lớn là “nhớ nghề” và tranh thủ lúc nông nhàn kiếm thêm dăm ba đồng trang trải cuộc sống… Dù lý do gì đi nữa thì việc giữ nghề của họ cũng đáng được quan tâm, bởi góp phần vào việc bảo tồn làng nghề đan đát truyền thống.
Làng nghề đan đát mây tre thôn Tân Điền (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) một thời phát triển khá thịnh đạt, khi nhắc đến sản phẩm thúng tre thì người ta nghĩ ngay đến sản phẩm của làng. Nhưng cùng chung khó khăn “mất thị trường” như làng Quang Quan, mặt hàng thúng ở thôn Tân Điền tiêu thụ kém hẳn trong những năm gần đây. Một số hộ gia đình đành phải chuyển sang đan vỉ tre phơi bánh tráng hay rổ cá, nhưng đơn hàng cũng rất ít.
Làng nghề dệt chiếu cói thôn Lạc Điền (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) có truyền thống khá lâu đời. Thời gian trước đây cả làng có hơn trăm hộ gia đình làm nghề dệt chiếu cói, nhưng hiện nay do đơn hàng ít nên cả làng chỉ còn vài chục hộ còn theo nghề và có nguy cơ giảm nữa. Không khó giải thích nguyên nhân sự sa sút này bởi lẽ trên thị trường xuất hiện nhiều loại chiếu được dệt công nghiệp, chất liệu phong phú (sợi nylon, tre trúc…) cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm chiếu đan thủ công.
Làng nghề đan võng gai thôn Tuân Lễ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Hiện tại, trong làng hầu như không còn hộ gia đình nào làm nghề theo đúng nghĩa nữa, mà chỉ còn một vài cụ già đan đôi ba cái võng khi có khách đến tận nơi đặt hàng. Thực trạng này là bởi võng gai là một sản phẩm làm rất công phu, có khi cả tháng trời mới xong. Do vậy, giá thành khá cao. So với võng làm từ sợi nhựa, chỉ dù được sản xuất hàng loạt thì võng gai không thể cạnh tranh nổi. Làng nghề này đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”…
Các làng nghề truyền thống sẽ mai một ngày càng nhiều hơn nếu như không có những chính sách hợp lý để khuyến khích duy trì làng nghề. Trước mắt có lẽ cần có giải pháp liên kết chuỗi từ khâu cung ứng và tiêu thụ, liên kết vùng, liên kết giữa các làng nghề; đa dạng hóa các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường mà vẫn giữ được đặc thù nghề thủ công.
Ở làng nghề Quang Quan một số hộ gia đình đã khai thác được nhu cầu các loại đơm, đó cỡ nhỏ. Loại đơm đó này không còn được sử dụng với công năng nguyên thủy - dùng bắt cua, cá. Với kích cỡ nhỏ, nhưng chiếc đơm đó này được sử dụng như một vật trang trí mà nhiều quán cà phê, nhà hàng… thích sử dụng. Một giải pháp khác là phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa làng nghề truyền thống, thu hút du khách không chỉ đến tham quan mà còn được trải nghiệm tự tay làm một sản phẩm đan đát dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.
Chuyển đổi công năng, khai thác và sử dụng sản phẩm của các làng nghề thủ công vào những góc độ, lĩnh vực mới là hướng đi được nhiều làng nghề thủ công ở nước ta áp dụng khá thành công. Những hướng đi ấy đáng để chúng ta tham khảo.
NGUYÊN VIỆT