Mãi mãi không quên tình cảm của nhân dân Liên Xô đối với lưu học Sinh Việt Nam
Ngày mai, 7.11.2015 là Ngày kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng MƯỜI Nga vĩ đại. Tôi và các anh chị em đang ngồi đây, gần 60 năm về trước là những người may mắn nguyên là cựu sinh viên học tập tại Liên Xô.
Mỗi người chúng tôi học tập trên các thành phố khác nhau. Nhiều người học tại Moskva, Kiep, Racstop, còn tôi thì học ở Kharcov.
Khóa học của tôi (1961-1966) họp mặt tại Trường Đại học Quang Trung, TP Quy Nhơn (nhân vật đứng thứ 3 tính từ bên phải).
Trường tôi học lúc đó tên là trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kharcov mang tên Mac Xim Goocki, nay là Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Kharcov mang tên Karazin (nhà sáng lập trường - Vasili Nazorovich Karazin) là một trong những trường đại học cổ nhất Ucraina và toàn khu vực Đông Âu, thành lập vào tháng 10 năm 1804. Trường có 3 nhà khoa học làm việc tại đây giành giải Nobel. Đó là nhà sinh vật Ilya Ilych Mechnikov (1908); nhà kinh tế Simon Kiznets (1971); nhà vật lý Lev Davidovich Landau (1962).
Theo đánh giá Unesco năm 2009, Trường Đại học Tổng hợp Kharcov đứng vị trí thứ 3 trong tốp 200 Trường Đạo học hàng đầu Ucraina.
Khóa học của tôi (1961-1966) có 32 sinh viên Việt Nam và hơn 70 sinh viên Nga. Ngôn ngữ dạy: Tiếng Nga. Các bạn chúng tôi phần đông đã về công tác tại Hà Nội. Có người là Đại tá, Thượng tá, có người là PGS-TS trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Trường Đại học y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quy Nhơn và nhiều trường Đại học, Học viện, cơ quan khác. Bây giờ các bạn của tôi đã nghỉ hưu nhiều năm rồi, song vẫn còn liên lạc với nhau.
Thường cứ đến Ngày 7.11 chúng tôi họp mặt nhau để ôn lại một thời tràn đầy những kỷ niệm tốt đẹp, những tình cảm mà các thầy, cô, giáo Nga, nhân dân Nga đã chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo và hát những bài hát tiếng Nga đi sâu vào ký ức của mỗi người trong chúng tôi như bài Chiều Moskva, Ca Chiu Sa, Đôi bờ,….
Nhân Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục vào năm 2008, nhân vật chụp ảnh cùng ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiếng Nga có nhiều biến cách, mỗi cách từng từ lại biến âm nên rất khó đối với sinh viên ngoại quốc. Năm đầu tiên, chúng tôi vừa học văn hóa, vừa được học thêm Tiếng Nga. Mỗi lớp có khoảng 10 sinh viên Việt Nam. Bà giáo dạy Tiếng Nga của lớp tôi lúc đó, tên là Marixa Alexayevna, chồng Bà là Giáo sư Vật lý, thương binh trong cuộc chiến tranh ái quốc chống Phát xít Đức (Đại chiến thế giới lần thứ II). Tôi đã có dịp đến thăm gia đình nhiều thầy, cô giáo ở đây, gia đình nào cũng có sự mất mát trong chiến tranh. Vì vậy, nhân dân Liên Xô rất thông cảm đến hoàn cảnh chiến tranh và gian khổ của nhân dân Việt Nam, họ coi chúng tôi như những người con trong gia đình, mời chúng tôi ăn liên hoan vào ngày thứ bảy hàng tuần, dịp Tết Dương lịch hay ngày Lễ.
Thầy giáo hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi tên là thầy GS-TSKH-Viện sĩ Lavơrusin, là đại tá tham gia cuộc chiến tranh Đại chiến thế giới lần thứ II chống phát xít Đức, nguyên là Hiệu trưởng Nhà trường. Nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam do thầy hướng dẫn, sau này rất thành đạt, là những GS-TS đầu ngành hóa hữu cơ Việt Nam như GS-TS Trần Quốc Sơn dạy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, PGS-TS Lâm Quang Thiềm dạy ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội, …
Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thành lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (từ ngày 30.1.1950), đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này. Liên Xô trước đây và Nga hiện nay là một trong những nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính cho Việt Nam. Hơn 60 năm qua (từ năm 1953 đến nay) đã đào tạo cho Việt Nam trên 30.000 sinh viên đại học, trên 3.000 tiến sĩ, trên 200 tiến sĩ khoa học và khoảng 100.000 công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh.
Hướng về Ngày Kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chúng tôi nguyện mãi mãi không quên tình cảm tốt đẹp của các Thầy, Cô giáo và nhân dân Liên Xô đã dành cho những lưu học sinh của chúng tôi trong những ngày tháng là sinh viên, nghiên cứu sinh tại Liên Xô.
Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ Việt-Nga ngày nay sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử tốt đẹp của mối quan hệ Liên Xô -Việt Nam trước đây trên tinh thần đối tác chiến lược, không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước mà còn góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
NGƯT-TS NGUYỄN MINH CHÂU
NGƯT-TS Nguyễn Minh Châu, 8 năm học tập ở Liên Xô (là sinh viên khóa 1961-1966 và nghiên cứu sinh: 1975-1978 ) tại Trường Đại học Tổng Hợp Quốc gia Kharcov (Liên Xô cũ), nguyên là giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1966-1978), nguyên là Hiệu Trưởng Trường Đại Học Sư phạm Quy Nhơn, nay là Trường Đại học Quy Nhơn,(1990-1998), nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung (2006-2014).