“Đâu rồi... sự tử tế ?”
Đó là câu hỏi được không ít người thốt lên trước thực trạng các sự việc hay lối hành xử bất lương, xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, gây nên sự bức xúc, nỗi bất an trong cuộc sống của mọi người.
Đó là chuyện làm ăn gian dối dưới đủ mọi hình thức để kiếm lợi bất chính, từ chuyện anh vá xe rải đinh, xé nát ruột xe để thay đồ dỏm cho đến chuyện người chăn nuôi xài chất cấm, kẻ sản xuất phân bón giả, người bán đồ ăn từ thực phẩm bẩn…; Đó còn là chuyện người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, học trò xúc phạm thầy cô, cán bộ ăn bớt trợ cấp của người nghèo hay tệ nạn tham ô, tham nhũng của một số kẻ có chức có quyền…
Thật sự mà nói thì trong đời sống xã hội còn vô số chuyện không tử tế như thế, nếu liệt kê ra thì có khi cả ngày mà… vẫn chưa hết. Thế nên, có lẽ vấn đề mà chúng ta cần quan tâm hơn, suy ngẫm nhiều hơn là có thể làm gì để cải thiện tình hình, để xã hội sẽ bớt đi những chuyện không tử tế và nhân lên những điều tốt đẹp.
Các triết lý nhân sinh sâu sắc được ông cha ta đúc kết: “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, “thương người như thể thương thân”, “giấy rách phải giữ lấy lề”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…, suy cho cùng chính là “sự tử tế” trong cuộc sống. Đó không phải là những cái gì quá cao siêu, trừu tượng mà đơn giản chỉ là sự hành xử với bản thân, công việc, trong quan hệ với nhau… dựa trên nền tảng của sự lương thiện, sự chính trực tuân theo những quy ước chung về đạo đức của cộng đồng, xã hội.
Đó cũng chính là phương châm hành xử tự nhiên của con người Việt Nam trong mối quan hệ với cộng đồng, xã hội. Theo đó, cuộc sống của mỗi người luôn được đặt trong mối quan hệ với người khác và cả cộng đồng. Người ta không chỉ sống cho riêng mình mà còn có sự quan tâm đến nhau, giúp đỡ người khó hơn mình, không làm điều mình không muốn với người khác, không vì mình mà hại đến người…
Đã có một thời, xã hội chưa giàu có như bây giờ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mọi người vẫn được sống trong bình yên, không phải lo toan đối phó với sự gian dối, lọc lừa trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Đã có một thời, tuy đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần vẫn thoải mái, mọi người sống chan hòa với nhau trong tình thân ái. Đã có một thời…
Thực tế cuộc sống cho thấy, sự giàu có về tiền bạc, của cải sẽ trở nên vô nghĩa nếu con người không có được sự bình an trong tâm hồn. Để có được cuộc sống hạnh phúc, để có được sự bình an trong tâm hồn thì trước hết mọi người cần phải sống tử tế với nhau.
Vì thế, cuộc sống luôn cần lắm sự tử tế của mỗi người và mọi người!
H.Đ