“Bà còng đi chợ trời mưa…”
Trời mưa, nhìn người người qua lại trước nhà, tôi lại nhớ bài hát “Bà còng đi chợ”. Ca khúc hồn nhiên gắn với lúc tuổi nhỏ chúng tôi chơi đùa. Mẹ tôi vẫn hay nói, việc duy nhất bọn trẻ làm mỗi khi mở mắt ra là đi chơi; chúng tôi vòng quanh đâu đó rồi về vào lúc có phim hoạt hình, ăn cơm. Lúc đó gần nhà có nhiều khoảng sân, cây cối để ca hát, chạy nhảy. Có lẽ đó là điều thuận lợi so với các bà mẹ trẻ bây giờ; nếu muốn tạo một không gian chơi cho bé, các mẹ phải đưa con đến những khu vui chơi. Bởi ở phố, địa điểm vui chơi gần nhà đang thu hẹp lại, thay vào đó là những con đường trong thành phố, công viên, quảng trường.
Thay vì những trò chơi trong xóm nhỏ, các bé sẽ nắm tay ba mẹ đi thả diều hay ra biển chơi đùa với cát, sóng hay làm quen với những loài cây, hoa nhiều màu sắc trong không gian thoáng đãng. Nhưng đến mùa mưa thì khác, các bé đành phải gác lại những trò chơi để ở nhà. Bởi vậy, có lẽ mùa mưa luôn là mùa thách thức với các bậc phụ huynh vốn bận rộn, làm sao để trẻ có thể có những trò chơi bổ ích mà không phải ra đường. Thế là trong những hôm mưa rỉ rả, các bé sẽ được ba mẹ đọc sách, kể chuyện cho nghe hay cùng thực hiện những hoạt động chung của cả gia đình: nấu ăn, dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, xem những biến đổi của đất trời qua ô cửa. Trời mưa rất thực bởi những giọt nước đang rơi ngoài trời, mưa cho ruộng đồng, mưa cho đất đai và cũng rất thực từ những bài hát về mưa…
Nếu trong bài hát có bà còng và những nhân vật ngộ nghĩnh như tôm, tép giúp bà lúc đi chợ thì trong cuộc sống thường ngày, những lúc trời đất ướt át, người đi chợ cho mỗi bữa trời mưa lại là mẹ ta, người đội mưa ra đường làm việc sớm khuya lại là cha ta và ông bà ta lại là người ở nhà trông mưa, đợi con cháu về đông đủ. Rồi các bạn nhỏ sẽ thấy quý những chiếc áo len, đôi găng tay, chiếc khăn quàng cổ mà khi trời đã khuya vẫn thấy bà, mẹ cặm cụi đan để dành cho mình khi chuyển mùa, thậm chí cả chiếc áo mưa, cây dù nhỏ giúp người thân khỏi ướt dưới trận mưa dai dẳng, ồ ạt. Rồi còn biết thương những buổi cơm trưa đầy đủ mọi người bên cạnh sau lúc tất bật, mưa gió để các bé tự nhắc nhở mình không được biếng nhác việc học, không thờ ơ việc nhà. Trái tim thơ trẻ sẽ biết yêu thương và thấy ấm áp hơn khi quan tâm đến xung quanh, bắt đầu từ chính nơi mình ở, gia đình mình.
Một chút mùa trong nỗi nhớ, trong lo lắng, nâng niu của mỗi người làm mọi thứ trở nên gắn bó với những tâm hồn bé thơ chưa biết gì, dù chỉ bắt đầu cùng lời hát như “cái tôm cái tép đi đưa bà còng, tiền bà trong túi rơi ra, tép tôm nhặt được trả bà mua rau”.
MIÊN VŨ