Cảnh giác với thủ đoạn giả danh cán bộ, công an để lừa đảo
Thời gian vừa qua, địa bàn tỉnh Bình Định rộ lên tình trạng một số đối tượng bất hảo giả danh cán bộ hoặc sử dụng giấy tờ, trang phục của lực lượng công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Trường Thành (SN 1945, ở KV5 phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) là trường hợp mới nhất bị lừa bởi một thanh niên tự giới thiệu là công an.
Chuyện xảy ra cách đây gần một tháng. Ông Thành kể: “Hôm đó, tôi đang ngồi chơi trước hè bỗng có người thanh niên trạc 40 tuổi đến chào hỏi rất lịch sự. Anh ta tự giới thiệu mình là cán bộ công tác ở Bộ, mới được cấp trên “điều” về địa phương này để nắm tình hình trong nhân dân, nếu có ai cần thì sẵn lòng giúp đỡ…”.
Tin tưởng vào người thanh niên nọ, ông Thành bày tỏ nguyện vọng muốn làm “sổ hồng” ngôi nhà cùng giấy tờ xe và “ứng” cho anh ta vài triệu đồng để lo việc. Những ngày sau đó, với lý do công việc đang tiến triển thuận lợi, anh công an nọ vài lần quay lại, đề nghị “ứng” thêm. Khi tổng số tiền ứng đã hơn 20 triệu đồng, anh công an bỗng biến mất.
Biết đã bị lừa, ông Thành báo cáo sự việc với cơ quan công an. Một tuần sau, Công an TP Quy Nhơn đã bắt được thủ phạm là Lê Trần Độ (SN 1976, trú phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Khám xét trong người đối tượng, cơ quan công an thu giữ nhiều giấy chứng nhận là… công an. Bằng mắt thường cũng có thể biết đây là những giấy tờ giả, song với những người già yếu như ông Thành thì đúng là khó phân biệt.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp bị lừa như ông Thành. Cách đây vài tháng, ông Trương Văn Máy (SN 1962, ở thị xã An Nhơn) đã bị Bùi Thanh Tùng (SN 1955, trú thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) giả công an lừa lấy mấy chục triệu đồng. Thủ đoạn của Tùng là mặc bộ quân phục công an đến những nơi đông người như cây xăng, chợ. Nếu có ai hỏi thì y tự nhận là công an, có thể “chạy” tìm việc làm. Tháng 5.2015, Tùng tiếp cận ông Máy và nói sẽ xin được việc cho con ông Máy với giá 100 triệu đồng. Nhận tiền xong, Tùng trốn biệt tăm. Hai tháng trước, ông Máy phát hiện Tùng đi trên đường liền theo dõi và báo cơ quan công an bắt giữ.
Vài năm gần đây, tại Bình Định xảy ra gần chục trường hợp đối tượng giả danh công an hoặc cán bộ nhà nước để lừa đảo đã bị bắt, xử lý. Thủ đoạn chung của đối tượng là sử dụng trang phục, giày, vớ và mũ bảo hiểm chuyên biệt của lực lượng công an nhằm tiếp cận với người khác, tạo lòng tin và giở trò lừa gạt, kể cả mượn tiền, tài sản rồi bỏ trốn. Mọi người cần nêu cao cảnh giác.
KIM NGỌC