Bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng Đào Tấn: Quan tâm tuồng không chuyên
Kỷ niệm 170 năm Năm sinh Danh nhân văn hóa Ðào Tấn, lần đầu tiên Liên hoan “Trích đoạn tuồng Ðào Tấn” diễn ra cách đây gần hai tháng, thu hút 10 đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh tham gia. Mới đây, Sở VH-TT&DL cũng đã lần đầu tiên tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật tuồng Ðào Tấn cho diễn viên tuồng không chuyên.
Vạn sự khởi đầu nan
Bên cạnh thành công, Liên hoan “Trích đoạn tuồng Đào Tấn” đã cho thấy những hạn chế của diễn viên các đoàn tuồng không chuyên như “hát cương” làm sai tuồng. Một số nghệ nhân khi đảm nhận những vai diễn khó đã bộc lộ hạn chế về trình thức nghệ thuật… hay được dạy theo kiểu truyền khẩu nên hát chưa “đúng tuồng, thuộc tuồng”; không được phân tích một cách sâu sắc để “hiểu tuồng” Đào Tấn nên nhầm lẫn khi biểu diễn…
Thấy được những hạn chế nêu trên, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật tuồng Đào Tấn cho các diễn viên tuồng không chuyên (từ ngày 3-5.11). Để đảm bảo chất lượng cho lớp, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã thành lập tổ chuyên môn tham gia giảng dạy gồm có: NSND Hòa Bình, NSƯT Đào Duy Kiền, NSƯT Gia Thiện, NSND Phương Thảo, NSND Minh Ngọc, NSND Xuân Hợi.
NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Không phân biệt chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, khi được Sở chỉ đạo Nhà hát đứng ra tổ chức lớp tập huấn, chúng tôi xác định đây là dịp gặp gỡ, trao đổi với diễn viên các đoàn để cùng thống nhất quan điểm chung về những giá trị đặc sắc của nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Qua đó, chung tay góp sức thực hiện tốt hơn trách nhiệm bảo tồn và phát huy”.
Trong buổi khai mạc lớp tập huấn, ban tổ chức đã được “giải tỏa nỗi lo” khi có hơn 20 nghệ nhân đến từ 7 đoàn tuồng chuyên ở các huyện, thị xã trong tỉnh về học. “Mấy chục năm đồng cam cộng khổ cùng các nghệ nhân ở các đoàn tuồng không chuyên để giữ gìn nghiệp Tổ, chúng tôi đã trông ngóng có đợt tập huấn để giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ. Vậy nên, tôi với ông xã đã gác công việc bộn bề ở nhà để tham gia lớp cùng anh chị em các đoàn khác. Ai nấy đều có tâm trạng phấn khởi…”, nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, đoàn tuồng Trần Quang Diệu, bộc bạch.
Phát huy hiệu quả bước đầu
Các diễn viên tham gia lớp tập huấn đã được nghe thuyết trình các chuyên đề về nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Gắn lý thuyết với thực hành, diễn viên các đoàn đã được các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn hướng dẫn tập luyện thêm để biểu diễn báo cáo thành công hai trích đoạn “Tế sống” (trong vở Khuê các anh hùng) và “Châu Thương gặp Quan Công” (trong vở Cổ Thành). Các nghệ nhân tham gia biểu diễn trong hai trích đoạn đều có thâm niên và giỏi nghề, được khán giả mến mộ. Sau khi tập huấn, họ cho biết đã “vỡ vạc” thêm nhiều điều bổ ích, nhờ sự hướng dẫn tận tình, bài bản và sẵn lòng chia sẻ đúc kết “tinh hoa nghề” từ các NSND, NSƯT.
Nghệ nhân Trần Văn Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, tâm sự: “Ngoài việc được chỉ dạy thêm về vũ đạo, cách thể hiện những vai diễn khó, điệu hát khó… chúng tôi còn được truyền lại những miếng nghề để thể hiện nhân vật sâu sắc hơn. Chẳng hạn đối với các vai “bi”, diễn viên không chuyên giỏi nghề thường mới thể hiện đạt 70 - 80 %, nay được hướng dẫn thêm để lột tả rõ nét nhân vật qua lời hát; như thêm những đoạn luyến nhè nhẹ, tròn thêm về diễn xuất… để đạt được 100 %”.
Từ thành công của lớp tập huấn đầu tiên, cả người học lẫn người dạy đều mong muốn tiếp tục có thêm nhiều lớp tập huấn, giúp diễn viên tuồng không chuyên vững vàng hơn trong nghệ thuật tuồng Đào Tấn.
Qua tìm hiểu từ thực tế biểu diễn của các đoàn tuồng không chuyên, hiện nay lớp khán giả am hiểu tuồng Đào Tấn đã không còn nhiều, lớp khán giả sau này thì không thích xem tuồng Đào Tấn nên các đoàn cũng hiếm khi diễn…Vì vậy, cần có sự quan tâm hỗ trợ “dài hơi” để các đoàn tuồng không chuyên có điều kiện tổ chức những buổi biểu diễn các vở tuồng Đào Tấn mang tính quảng bá, gầy dựng những lớp khán giả mới để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của bậc hậu tổ tuồng. Tại bế mạc lớp tập huấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Đông Hải cho biết: “Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để trong tương lai các đoàn tuồng không chuyên nhận được sự hỗ trợ cụ thể”.
“Lớp tập huấn đầu tiên đạt nhiều hiệu quả thiết thực về chuyên môn và đã động viên tinh thần cho các đoàn tuồng không chuyên. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được tham gia các lớp tập huấn mới để có thêm cơ hội học hỏi, rèn luyện phát triển hơn trong nghề nghiệp”, Trưởng đoàn tuồng An Nhơn 2 Nguyễn Minh Lưỡng đề đạt.
HOÀI THU