Cân bằng cuộc sống khi về hưu
Nghỉ hưu thường được nhiều người xem là bước ngoặt của cuộc đời. Dự lường những biến đổi tâm lý có thể diễn ra như sốc vì có cảm giác mình không còn giá trị, lo lắng vì nghĩ không được người khác tôn trọng…, nhiều người đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình các kế hoạch từ công việc đến sức khỏe.
Kế hoạch cho tuổi hưu
Vốn là lãnh đạo một ngành của tỉnh, ông Trần Văn Chiến (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đã chuẩn bị sẵn kế hoạch nghỉ hưu cho mình từ... 2 năm trước. Ông dùng số tiền dành dụm được mua khu đất vườn nhỏ ở phường Nhơn Bình, dự định làm vườn rau khi nghỉ. Về hưu, ông cứ theo kế hoạch định sẵn ấy mà làm.
Mỗi buổi sáng, ông cùng vợ ăn sáng, uống cà phê, đọc sách, báo rồi về ăn cơm trưa, ngủ giấc ngon lành. 13 giờ 30 phút, ông cỡi xe máy đến mảnh vườn, cuốc đất, nhổ cỏ, gieo hạt, bắt sâu... Giờ tan tầm, ông thu hoạch rau, quả mình trồng được chở về nhà. Ông Chiến kể: “Dù đã chuẩn bị sẵn công việc để làm nhưng vì trước đây có nhiều mối quan hệ, công việc nhiều áp lực, giờ có lúc rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi cũng thấy buồn và cô đơn lắm, tính tình tự nhiên thay đổi, hay cáu gắt với vợ con. Khi khu vườn rau có nhiều việc phải làm, chăm sóc hơn, thời gian trôi qua cũng đỡ hụt hẫng hơn trước, tôi mới lấy lại được cân bằng cho cuộc sống”.
Về hưu trước vợ 1 năm, ông Nguyễn Văn Thiên (phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đã cùng vợ lên kế hoạch mở lớp rèn chữ đẹp cho học sinh. Hai vợ chồng ông Thiên vốn viết chữ rất đẹp, trước kia thường nhận viết bằng khen, giấy khen, sổ lưu niệm..., đến khi công việc quá bận rộn thì tạm gác lại niềm đam mê của mình. Giờ đây, ông về hưu trước nên dành thời gian rảnh rỗi miệt mài tập viết. Ông Thiên kể: “Khi về hưu, ai nói không buồn là không đúng. Môi trường sống khác trước, nếp sống cũng thay đổi hẳn. Cũng may tôi vượt qua cảm giác ấy nhanh chóng vì miệt mài theo đuổi kế hoạch của mình vạch ra từ trước. Trước mắt, tôi vừa luyện lại cho tay uyển chuyển, mềm mại như xưa, viết chữ chuẩn, vừa dạy cho cháu nội ở nhà tập viết. Khi vợ nghỉ hưu, chúng tôi sẽ mở lớp rèn chữ”.
Sống vui, sống khỏe
Đa số những người về hưu sẽ có cảm giác buồn chán và tâm lý hụt hẫng khi “bỗng dưng quá nhàn”. Với bà Trần Như Sang (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), sau 2 năm nghỉ hưu, bà mới có lại được cuộc sống vui tươi, ý nghĩa như trước. Bà Sang kể: “Hồi trước, tôi có tham gia một số hoạt động từ thiện nhưng không thường xuyên vì công việc của tôi ở Đài PTTH tỉnh rất bận rộn. Khi nghỉ hưu, tôi có thời gian cùng nhóm bạn hưu gặp nhau trong nhiều việc: tập thể dục, giao lưu, gặp gỡ bạn bè, hoặc tổ chức các chuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi thân thiết với nhau như chị em trong gia đình, nên cảm thấy cuộc sống khá vui vẻ, thoải mái. Ngoài ra, tôi lại có thời gian rảnh rỗi tham gia các hoạt động từ thiện nhiều hơn trước kia, từ việc nấu ăn tại các bếp ăn tình thương của BVĐK tỉnh, phát cháo cho bệnh nhân Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, Bệnh viện Tâm thần tỉnh… Tôi cảm thấy cuộc sống của mình vẫn có ích”.
Theo các nhà tâm lý thì khi phụ nữ đến tuổi về hưu, nội tiết tố suy giảm cùng lúc với những diễn biến âm thầm trong cơ thể khiến cho họ phải đối mặt với các bệnh: tim mạch, loãng xương, tiểu đường... Còn nam giới khi về hưu, ngoài hói đầu, bụng phệ, cơ bắp mềm nhão thì có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao, xương khớp... Để tránh bệnh tật cũng như tổn thương về tâm lý, mọi người nên lên chương trình tiền về hưu, nghĩa là bàn giao công việc từ từ để không bị hụt hẫng và chuẩn bị chương trình, kế hoạch sau khi về hưu, gồm: Thời gian, kinh tế, các hoạt động và mối quan hệ dự kiến thay thế công việc và quan hệ đồng nghiệp..., chẳng hạn như du lịch, làm từ thiện, chăm sóc con cháu, nghiên cứu, hoạt động nghệ thuật, tham gia CLB...
Để tránh sự nhàm chán, lời khuyên cho người về hưu là nên đa dạng loại hình hoạt động trong nhà cũng như ở ngoài trời, hoạt động tinh thần, hay vận động cơ thể, hoạt động tập thể hoặc cá nhân phù hợp với sở thích và khả năng của mình nhất, để khỏi có những ngày ngồi không khi cuộc sống thay đổi.
CÔNG HIẾU