Người trồng cúc Vĩnh Liêm: “Ứng cứu” hoa sau mưa dầm
Những cơn mưa như trút nước do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Ðông trên cao trong 5 ngày liên tiếp (1 - 5.11) đã khiến người trồng cúc Vĩnh Liêm, phường Bình Ðịnh (thị xã An Nhơn) như ngồi trên “đống lửa”. Hàng ngàn chậu cúc tuổi từ 1 đến 2 tháng không được che chắn bị dập lá, thối thân đã kéo người nông dân ra vườn chăm sóc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
1.
Ngồi giữa 200 chậu cúc lớn, nhỏ, chị Trần Thị Huệ (38 tuổi, ở tổ 8, khối Vĩnh Liêm) tỉ mẩn cắt, bấm từng lá cúc nhỏ bị dập nát. Thỉnh thoảng, chị nhíu mày, xuýt xoa khi nhổ lên một vài cây cúc có dấu hiệu bị rữa thân. Chị cho biết, khi trận mưa lớn bước sang ngày thứ 4, vợ chồng chị nóng ruột quá nên đã đội áo mưa ra vườn để cắt tỉa các phần lá bị hư, tránh để cho bệnh lây lan thêm. Tuy nhiên, tình trạng cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu khi lá dập vẫn xuất hiện trên các chậu đã được cắt tỉa. Thêm vào đó, mưa lớn làm đất cát trong chậu văng lên thân cây non tơ khiến ngọn cúc bị đùn lại (bà con nơi đây gọi là “đù ngọn”), phát triển yếu.
“Đáng lẽ, như các năm trước, gia đình tôi sẽ làm sẵn hệ thống mái để bảo vệ cây khi gặp tiết trời nắng gắt hoặc mưa lớn kéo dài. Nhưng năm nay, khi vùng đất trồng hoa trước đây đã bị quy hoạch thành khu dân cư nên ở nơi trồng tạm, chúng tôi chưa thể dựng hệ thống mái che kiên cố, tươm tất nên ảnh hưởng đến chất lượng cây hoa”, chị Huệ lý giải thêm.
Để khắc phục hậu quả do mưa lớn, ông Bùi Bá Lộc (60 tuổi) đã mướn thêm 3, 4 nhân công để cắt tỉa lá cho 1.000 chậu cúc đại đóa. Cúc đại đóa của ông Lộc đã xuống giống hơn 1 tháng rưỡi nên có sức chịu đựng trước mưa dầm tốt hơn. Tuy nhiên, ông vẫn xác định bấm lá là việc cần kíp để loại bỏ lá bị rữa thối, nhanh chóng làm thông thoáng bề mặt chậu, tránh gây úng rễ.
Ông tâm sự: “Mọi năm, nhà tôi chỉ mướn người vào mấy dịp xuống giống, cắm cọc phụ và cắm cọc chính. Năm nay, vì thời tiết thất thường, mưa lớn, tôi phải chi thêm tiền công để cắt tỉa lá. Tiền công cho một người là 120 ngàn đồng/ngày, chưa kể tiền bao ăn nửa buổi. Có tốn kém hơn nhưng mình phải ráng thôi, vì chậm trễ nữa là ảnh hưởng đến chất lượng hoa, tổn thất nhiều hơn”.
Không chỉ tập trung loại bỏ phần thối rữa do mưa, người trồng hoa Vĩnh Liêm cũng ra quân tưới phân, phun thuốc. Đợt mưa kéo dài làm gián đoạn lịch chăm sóc nên làm cây hoa “mất sức”, kém phát triển. Không ít nông dân lo lắng về năng suất vụ hoa năm nay khi thời tiết những ngày qua diễn biến bất thường, khó đoán.
2.
Bằng kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm, người trồng cúc Vĩnh Liêm nỗ lực tính toán, xử lý linh hoạt để có thể chuẩn bị tốt nhất cho mùa hoa Tết Bính Thân 2016. Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư nhà vườn, mái che, hệ thống tưới tiêu... để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Nhưng với nhiều người trồng hoa nhỏ lẻ khác, việc đầu tư nằm ngoài khả năng hoặc muốn đầu tư cũng khó vì phần lớn khu đất bấy lâu dùng để trồng hoa nay đều đã được quy hoạch thành đất ở. Vậy nên, người trồng hoa mong những ngày tiếp theo thời tiết thuận lợi. Bởi nói như ông Lê Văn Hoa (70 tuổi): “Nghề trồng hoa, ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc thì phải được trời thương thì mới chắc thắng. Tết có sung túc, đủ đầy hay không trước hết phải... “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa trông nắng, trông ngày, trông đêm””.
NGUYỄN MUỘI