Người “đi loa” cuối cùng
“Loa... loa... loa... Bà con thôn 1 nghe rõ. Tối nay, vào lúc 7 giờ, bà con tập trung tại trụ sở thôn để họp bàn về...” - Âm thanh ấy phát ra từ chiếc loa cầm tay của một người đàn ông tuổi ngoài 60. Ông gắn bó với công việc này đã gần 30 năm nay.
Thời hiện đại, người ta xem tin tức, nghe thông báo qua đài truyền thanh, tivi, internet. Nhưng với những thông tin mang tính chất cấp thôn, làng, phương tiện truyền tin chính vẫn là con người. Ông nhận nhiệm vụ “đi loa” thường chẳng cần chất giọng truyền cảm như người làm phát thanh. Yếu tố cần nhất là sự nhiệt tình. Nếu thiếu nhiệt tình, người ta khó có thể đạp xe cọc cạch qua từng xóm nhỏ, liên tục lặp đi lặp lại thông điệp liên quan đến hoạt động họp dân, tiêm vắc-xin cho trẻ sơ sinh...
Cứ mỗi lần nghe ông đọc ra rả “loa... loa... loa...”, tụi trẻ con trong xóm lại vây quanh, đọc nhái theo. Ông chẳng phiền lòng, đưa tay lau mồ hôi và tiếp tục bản tin. Hưởng ứng theo lời ông, mấy bà mấy cô đang cuốc cỏ đậu phụng cũng ngơi tay lắng nghe. Trong nhà, nhiều người mở cửa sổ để nghe được thông báo thiết yếu từ ông rõ hơn.
10 năm trước, ông “loa.. loa... loa...” bằng một phương tiện hết sức thô sơ - cái loa được làm bằng nhiều tờ giấy cuộn lại. Hôm nay, ông đã được trợ giúp bằng loa cầm tay. Phương tiện dù có phần hiện đại hơn, người “đi loa” vẫn giữ nguyên nét nhiệt thành. Với tôi, mỗi lần về nhà, nghe bác “loa.. loa...” về một điều gì đó là lại thấy lòng vui vui. Ít nhất, tôi biết, ông “đi loa” vẫn khỏe. Và vẫn chẳng ai đủ khả năng “soán ngôi” ông trong lĩnh vực này.
Mẹ tôi bảo, đó có lẽ là người “đi loa” cuối cùng của quê tôi. Sau ông, sẽ chẳng tìm thấy ai nhiệt tình với công việc này như thế nữa. Ở cấp thôn, người ta rồi sẽ lựa chọn những hình thức thông báo khác như phát giấy thông báo đến tận nhà, làm bảng tin ở khu vực đông người qua lại. Và những người “đi loa” rồi sẽ trở thành ký ức của làng.
HÀ THANH