Hơn 300 ha mặt nước ở Tuy Phước bị ngọt hóa, nhiễm phèn nặng: Người nuôi trồng thủy sản chờ giải pháp bền vững
Hơn 300 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) - chủ yếu là tôm, cá - tại thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (Tuy Phước) bị nhiễm phèn nặng nên người NTTS tại đây thường xuyên rơi vào cảnh mất mùa, thua lỗ. Người dân địa phương đang mong các ngành chức năng tìm ra giải pháp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định cuộc sống.
Người NTTS tại khu vực Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam mong các ngành chức năng đưa ra giải pháp bền vững cho việc nuôi trồng nơi đây.
- Trong ảnh: Một góc đìa nuôi tôm tại khu vực Huỳnh Giản.
Người nuôi trồng thủy sản gặp khó
Những năm gần đây, hàng trăm hộ NTTS ở 2 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam thường xuyên rơi vào cảnh thất bát, mất mùa vì nguồn nước phục vụ nuôi các loại thủy sản nước lợ như tôm, cua, cá… bị nhiễm phèn và ngọt hóa. Sở dĩ xảy ra hiện tượng này là bởi lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về khu vực này ngày một nhiều; khiến nước lợ tại khu vực thả nuôi thủy sản không đảm bảo độ mặn. Tôm, cua, cá bị nhiễm bệnh, chậm lớn, chết non, gây rất nhiều khó khăn cho người nuôi.
Ông Minh - một hộ NTTS tại khu vực Huỳnh Giản - cho biết: Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, hơn 300 ha NTTS nước lợ của các hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngọt hóa nguồn nước nuôi trồng, khiến việc sản xuất, nuôi trồng bị thất bát, thua lỗ nặng. Đơn cử như vụ nuôi năm 2013, hầu hết các hộ NTTS đều bị mất mùa, nợ nần chồng chất, mất khả năng tái sản xuất. Vụ nuôi năm 2014, hiệu quả cũng không cao, có nhiều hộ thua lỗ.
Được biết, qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri các cấp, người dân địa phương và cả đại diện UBND xã Phước Hòa liên tục kiến nghị UBND huyện Tuy Phước và các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra; tìm ra giải pháp bền vững để khắc phục hiệu quả tình trạng ngọt hóa nguồn nước phục vụ NTTS. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị của người dân và chính quyền xã chưa được giải quyết dứt điểm.
Sớm đưa ra giải pháp bền vững
Liên quan việc này, theo UBND huyện Tuy Phước, thì vào đầu tháng 10.2015, các cơ quan của huyện Tuy Phước gồm Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Thú y huyện và UBND xã Phước Hòa tổ chức họp bàn biện pháp hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nhân dân xã Phước Hòa nâng cao hiệu quả NTTS, đặc biệt là tránh nhiễm dịch bệnh. Cuộc họp thống nhất đề xuất một số giải pháp NTTS nước lợ trên địa bàn xã Phước Hòa nói riêng, huyện Tuy Phước nói chung nhằm tránh thiệt hại trong vụ nuôi năm 2016.
Về vấn đề ngọt hóa vùng nuôi tôm tại xã Phước Hòa và Phước Thắng, UBND huyện Tuy Phước đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tạm ngưng hoặc hạn chế xả nước ngọt vào đầm Thị Nại tại đập Văn Mối (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) và đập Nha Phu (xã Phước Hòa). Tới đây, UBND huyện giao Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục làm việc với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi 3 và 4, thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, để có biện pháp điều tiết, hạn chế nước ngọt ở 2 đập Văn Mối và Nha Phu xả xuống hạ lưu vào những ngày các hộ NTTS nước lợ lấy nước vào ao nuôi nhằm đảm bảo độ mặn.
Về lâu dài, đối với vùng NTTS tại khu vực Huỳnh Giản, UBND huyện Tuy Phước giao Phòng NN&PTNT huyện tham mưu văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao khu vực Huỳnh Giản nhằm chủ động trong việc cấp, thoát nước, đảm bảo độ mặn cho vùng nuôi.
Hy vọng rằng, với sự tích cực vào cuộc của huyện Tuy Phước và các ngành chức năng của tỉnh, việc tìm ra giải pháp bền vững cho vùng NTTS tại khu vực Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam sẽ sớm có “đáp án” hiệu quả nhất, giúp người dân địa phương yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
CÔNG LUẬN