Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 (10.11 - 10.12):
“Hướng tới Mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam”
Hôm nay (10.11), tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 chính thức khởi động. Năm nay, sự kiện này mang chủ đề rất ý nghĩa: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tại hội nghị AIDS toàn cầu được tổ chức vào tháng 7.2014 ở Australia, Liên hiệp quốc đã đưa ra các chỉ tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90-90-90 của Liên hiệp quốc; là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung và để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
* Cụ thể, các chỉ tiêu của Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng so với Mục tiêu 90-90-90 của Liên hiệp quốc như thế nào, thưa ông?
- Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với Mục tiêu 90-90-90 của Liên hiệp quốc. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì Việt Nam đã đạt khoảng 78%. Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì còn quá xa, chỉ đạt khoảng 39%. Còn mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, chúng ta chưa tổ chức xét nghiệm được rộng rãi tải lượng vi-rút một cách thường quy trong thời gian qua nên chưa có số liệu chính xác.
Tại Bình Định, công tác xét nghiệm sàng lọc HIV vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ đối tượng có nguy cơ cao được xét nghiệm phát hiện còn thấp. Hằng năm, chỉ có khoảng 50% người hành nghề mại dâm được xét nghiệm sàng lọc. Tỉ lệ này đối với người nghiện ma túy cũng chỉ khoảng 25%; ngư dân đánh bắt xa bờ, lái xe đường dài, người buôn bán… có quan hệ ngoài hôn nhân còn thấp hơn (chưa tới 10%). Với mục tiêu thứ 2, chúng ta đã có 136/280 người nhiễm HIV được điều trị ARV, đạt 48,6%. Chúng ta cũng chưa triển khai được xét nghiệm tải lượng vi-rút.
90% số người đã chẩn đoán HIV được điều trị ARV là một mục tiêu quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Trong ảnh: Tập huấn về điều trị ARV cho người nhiễm HIV.
* Vậy, đâu là giải pháp chính để giải quyết những khó khăn, cải thiện các chỉ tiêu để hướng tới Mục tiêu 90-90-90 của Liên hiệp quốc?
- Khoảng cách từ thực tiễn đến các Mục tiêu 90-90-90 đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới. Các hoạt động cần đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, tập trung cụ thể vào từng nhóm đối tượng. Song song với truyền thông đại chúng, hoạt động tuyên truyền sẽ chú trọng vào yếu tố trực tiếp, nhất là với nhóm người hành nghề mại dâm, nghiện ma túy và dân di biến động. Kinh phí của công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ được cân đối lại, chú trọng hơn cho công tác xét nghiệm sàng lọc để phát hiện người nhiễm HIV, đặc biệt tập trung cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, để mở rộng hoạt động điều trị ARV cho người nhiễm HIV, chúng tôi sẽ tính đến phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng. Trong đó, có cả tổ chức điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện. Với mục tiêu kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định đối với người được điều trị ARV, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã được trang bị hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), chúng tôi sẽ tổ chức xét nghiệm tải lượng vi-rút từ năm 2016.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
Theo kế hoạch triển khai tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 vừa được ban hành, UBND tỉnh khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng.