Hạn đến sớm và khốc liệt
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay kết thúc sớm và lượng mưa ít hơn 20% - 30% so với mọi năm, trong khi nền nhiệt trung bình tăng cao. Dự báo, mùa khô năm 2015 - 2016 sẽ xảy ra tình trạng hạn hán khốc liệt, vụ đông xuân sắp đến sẽ bị thiếu hụt nước nghiêm trọng
Hồ thủy lợi hụt nước
Ông Hoàng Bình Yên, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, cho biết, từ đầu mùa mưa, đơn vị đã tranh thủ tích nước nhưng vẫn không đảm bảo yêu cầu đề ra, chỉ đạt chừng 90% dung tích các hồ đập. Đặc biệt, một số hồ đập lớn như Ia Mlá (huyện Krông Pa) hụt gần 5m nước, hồ Hà Ra Nam (Mang Yang) thiếu 3,38m nước. Với đà hạn này, khả năng đến trung tuần tháng 3-2016 thì các hồ đập do đơn vị quản lý sẽ rơi vào tình trạng khô kiệt. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Kon Tum. Ông Trần Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, toàn tỉnh có đến 70 hồ chứa thủy lợi nhưng chỉ có những hồ nhỏ đảm bảo việc tích nước đủ, còn các hồ lớn chỉ đạt từ 60% - 70% dung tích thiết kế.
Mực nước hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) thấp hơn 1m so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, dù đã cuối mùa mưa nhưng mực nước tại các hồ thủy lợi lớn trên địa bàn đều thấp hơn mực nước thiết kế và thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm. Cụ thể, hồ Ma Đanh mực nước hiện thấp hơn mực nước thiết kế hơn 4,3m, thấp hơn 3m so với cùng kỳ 2014; hồ Tuyền Lâm mực nước thấp hơn mực nước thiết kế 1,1m; các hồ Bô Ka-Bang, Đắc Lô, Phước Trung lượng nước đều thấp hơn thiết kế từ 2-3m và thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2014. Theo ông Dương Thành Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, toàn tỉnh có 217 hồ thủy lợi, dung tích chứa khoảng 500 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho 56.780ha đất nông nghiệp. Năm 2014, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 35.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Năm nay mực nước tại các hồ thủy lợi đều thấp hơn so với năm 2014, dự báo tình hình hạn hán sẽ phức tạp.
Theo ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk, với tình trạng ít mưa như năm nay, mực nước ở phần lớn các hồ đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm, chắc chắn vụ đông xuân sắp tới sẽ bị khô hạn. Hiện tại đã cuối mùa mưa, nhưng mực nước ở 10 hồ thủy lợi lớn, có dung tích trên 5 triệu m3 nước đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có hồ chỉ mới tích nước được hơn 30%. Trong đó, hồ Krông Búc hạ có mực nước thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 3m, chỉ đạt 63% dung tích thiết kế; hồ Vụ Bổn lượng nước chưa đạt 30% dung tích; hồ Ea Kao chỉ đạt khoảng 55% dung tích thiết kế. Đặc biệt, trong tổng số 432 hồ chứa mà công ty quản lý khai thác, có 11 hồ đang ở mực nước chết.
Lo mùa đông ấm và El Nino kéo dài
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bắt đầu từ cuối tháng 11.2015, cả nước sẽ đối mặt với một mùa đông ấm và El Nino kéo dài kỷ lục… đe dọa nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp và nguồn nước cho sinh hoạt.
Theo lẽ thường, mùa đông ở miền Bắc và khu vực Bắc Trung bộ (bao gồm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) sẽ trở rét từ cuối tháng 11 và rét đậm rét hại vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Nhiệt độ tại miền Bắc trong năm 2014 có thời điểm đã xuống mức 9oC - 10oC, tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Sa Pa, Y Tý (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) đã có tuyết phủ trắng. Tuy nhiên trong mùa đông năm 2015-2016, mô hình dự báo mà các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ có nền nhiệt độ ấm, ít ngày rét ở Bắc bộ. “Mặc dù vẫn có những đợt rét đậm, rét hại xảy ra nhưng không kéo dài, chỉ duy trì khoảng 4-7 ngày và sau đó lại có những đợt nắng nóng hoặc nắng ấm” - ông Hoàng Đức Cường cho biết.
Nếu theo quy luật hàng năm, khi không khí lạnh mạnh tràn về Bắc bộ, tại khu vực miền Trung sẽ có xung đột nhiệt độ gây mưa to, đồng thời TPHCM và Nam bộ sẽ có sương mù buổi sáng vào tháng 12 đến tháng 1. Tuy nhiên khi nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm vào mùa đông, đồng nghĩa với mùa khô ở miền Nam sẽ kéo dài hơn, nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng, dòng chảy các sông ở ĐBSCL sụt giảm khoảng 30% - 40% tạo điều kiện cho nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng tới hoa màu và vụ lúa đông xuân 2015-2016. Ông Hoàng Đức Cường cũng cho biết, từ cuối tháng 10-2015, mùa mưa ở Nam bộ và Tây Nguyên đã kết thúc sớm hơn trung bình 1 tháng.
Trong khi đó, hiện tượng El Nino đang bắt đầu ảnh hưởng rõ tới khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Theo nhận định vừa bổ sung cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016, nền nhiệt độ trên cả nước sẽ ở mức cao hơn trung bình từ 0,5oC- 1,5oC. Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016 ở Trung bộ có khả năng thiếu hụt từ 30% - 50% và khoảng 20% - 40% ở Tây Nguyên và Nam bộ.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Bộ TN-MT, từ nay cho tới giữa năm 2016, nước ta sẽ trải qua một chu kỳ El Nino dài nhất trong vòng 60 năm qua (kể từ khi có số liệu quan trắc về ENSO), điều đó có nghĩa là đạt kỷ lục trong lịch sử khí tượng. Trong những tháng chính của mùa đông gồm từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016, El Nino sẽ đạt cường độ mạnh nhất. Ông Lê Thanh Hải thừa nhận thời tiết đang có dấu hiệu biến đổi khác thường do tổng lượng nhiệt trong năm cao hơn nên cây cối thường sinh trưởng, ra trái sớm.
Theo Nhóm PV SGGP